Đẩy mạnh đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số
(ĐCSVN) - Nhờ các chính sách của Nhà nước, giai đoạn 2016 - 2020, cả nước có gần 1 triệu lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số được học nghề, chiếm 14% trên tổng số gần 8 triệu người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động. Trong đó gần 600 nghìn người dân tộc thiểu số được hỗ trợ đào tạo nghề.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để khuyến khích người dân tộc thiểu số tham gia học nghề, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên dạy nghề như: thực hiện chính sách nội trú, hỗ trợ đào tạo 3 - 4 triệu đồng/người/khoá, hỗ trợ tiền ăn 30 nghìn đồng/người/ngày; miễn giảm học phí cho học viên là người dân tộc thiểu số; hỗ trợ phụ cấp, trợ cấp nhà giáo; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ 164 tỷ đồng cho học viên ở nội trú và đầu tư xây dựng Khoa Dân tộc nội trú với kinh phí trên 44 tỷ đồng.
Lớp tập huấn kiến thức nông nghiệp được tổ chức ngay trên nương cho đồng bào xã Cốc Rế (Xín Mần, Hà Giang) - Ảnh: TD |
Đa số lao động dân tộc thiểu số đều được đào tạo về nông nghiệp. Bởi với thời gian đào tạo ngắn hạn (dưới 3 tháng), việc tham gia học nghề nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) là phù hợp nhất. Đang làm nông, học nghề nông nghiệp nên học xong dù không có việc làm mới thì lao động vẫn có việc làm.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ đạo thí điểm tổ chức đặt hàng trình độ trung cấp, cao đẳng nghề với 26 cơ sở đào tạo để đào tạo cho 8.555 lao động người dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp có khó khăn về kinh tế.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, các cơ sở đào tạo nghề đã đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho hơn 120 nghìn người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật hưởng chính sách nội trú và gần 100 nghìn người dân tộc thiểu số được hưởng chính sách miễn giảm học phí.
Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các chính sách giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo điều kiện thuận lợi cho lao động người dân tộc thiểu số tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.
Sau khi được đào tạo nghề, kiến thức và kỹ năng của người lao động dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt. Trên 76% số người học xong có việc làm mới hoặc tiếp tục nghề cũ nhưng năng suất lao động, thu nhập cao hơn. Nhiều người tự tạo ra được việc làm, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại, làm giàu tại chỗ.
Số liệu phân tích của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2019, thu nhập bình quân của nhóm “Lao động giản đơn” (chủ yếu là lao động nông thôn, lao động dân tộc thiểu số), dù mức thu nhập vẫn thấp nhất (3,26 triệu đồng/người/tháng) nhưng cũng đã tăng 717 nghìn đồng so với năm 2018./.