Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

Thứ Sáu, 10/05/2024 15:59 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Chương trình phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam nhằm thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

 
Đại diện Bộ GD&ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 - 2030. Ảnh: BL

Ngày 10/5, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Hội Khuyến học Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 - 2030.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác khuyến học, khuyến tài

Chương trình phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với Hội Khuyến học Việt Nam nhằm thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Quyết định số 1373, Quyết định số 387, Quyết định số 677 và Quyết định số 1315 của Thủ tướng Chính phủ.

Thông qua việc phối hợp tổ chức các hoạt động của hai đơn vị sẽ tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và hội viên về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; về vị trí, vai trò của việc học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Theo đó, hai đơn vị sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia; định hướng của Bộ GD&ĐT, của Hội Khuyến học về đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, về chính sách phát triển giáo dục thường xuyên, phục vụ việc học tập của người lớn, thúc đẩy học tập suốt đời, góp phần tích cực trong việc xây dựng xã hội học tập và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Xây dựng các diễn đàn về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên các phương tiện thông tin đại chúng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GD&ĐT và Hội Khuyến học. Lồng ghép nội dung khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vào các lĩnh vực công tác, các phong trào thi đua thuộc nhiệm vụ chuyên môn do cơ quan phát động trong hệ thống.

 GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: BL

Đồng thời, phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động của Ban/tổ chức khuyến học và vận động xây dựng Chương trình khuyến học, khuyến tài trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục đại học nhằm thực hiện các nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong nhà trường; xây dựng nhà trường để được công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện, cấp tỉnh.

Đặc biệt, hai đơn vị sẽ phối hợp lựa chọn, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong học tập, giảng dạy, và quản lý của ngành Giáo dục, trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (trao giải thưởng “Nhân tài đất Việt”; trao học bổng “Học không bao giờ cùng”,…). Qua đó, tạo sự lan tỏa, khích lệ, góp phần thực hiện thành công chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Bộ GD&ĐT và Hội Khuyến học chỉ đạo, hướng dẫn sở GD&ĐT, Hội khuyến học các tỉnh, thành phố tổ chức ký kết chương trình phối hợp; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chương trình phối hợp; định kỳ hằng năm tổ chức sơ kết đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện chương trình phối hợp.

Thúc đẩy học tập suốt đời qua mô hình học tập, phong trào thi đua

Phát biểu tại lễ ký kết, GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, hiện nay, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ vào tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao trình độ mọi mặt để đáp ứng với bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển, trình độ tự động hóa ngày càng cao; công nghệ, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học phát triển như vũ bão.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, chức năng của Hội Khuyến học Việt Nam là khuyến khích, thúc đẩy toàn dân học tập suốt đời, hỗ trợ, giáo dục trong và ngoài nhà trường và liên kết, phối hợp, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: BL 

Bởi vậy, trong thời gian tới, cần tìm mọi biện pháp thúc đẩy sự học; thực hiện tốt phong trào xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời thông qua các mô hình học tập, phong trào thi đua. GS.TS Nguyễn Thị Doan đề nghị, Bộ GD&ĐT và Hội Khuyến học thành lập Ban Khuyến học làm đầu mối điều hành để triển khai và đạt được các tiêu chí về công dân học tập, xã hội học tập.

Khẳng định việc ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, GS.TS Nguyễn Thị Doan mong muốn sẽ có nhiều hơn sự thấu hiểu về xã hội học tập, học tập suốt đời, qua đó thực hiện tốt chương trình phối hợp này.

Tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành Giáo dục đang trong giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện, cải cách mạnh mẽ với nhiều sự đổi mới, từ giáo dục mầm non, phổ thông tới giáo dục đại học, sau đại học. Một trong những điểm quan trọng của sự đổi mới đó là xây dựng một nền giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Trong bối cảnh đổi mới, Bộ trưởng chia sẻ, sự quan tâm tới giáo dục thường xuyên cần phải tăng cường hơn nữa; phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời là công việc lâu dài, là triết lý giáo dục của thời đại mới, do đó cũng cần phải quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới. “Sự phối hợp giữa 2 đơn vị trong thời gian qua đã tốt sẽ tốt hơn nữa, đã mạnh mẽ sẽ mạnh mẽ thêm, bởi đây là giai đoạn quan trọng rất cần thúc đẩy cho sự đổi mới giáo dục và đào tạo”, Bộ trưởng mong muốn./.

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN