Dạy học phân hoá đòi hỏi giáo viên có trình độ chuyên môn và sư phạm cao
(ĐCSVN) – Ở Việt Nam, dạy học phân hoá đã được chú trọng từ lâu. Tuy nhiên, do áp dụng các giải pháp chưa phù hợp nên dạy học phân hoá chưa đem lại hiệu quả. Việc dạy học phân hóa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới có thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, những khó khăn này là có thể khắc phục.
Đó là chia sẻ của Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới Nguyễn Minh Thuyết về dạy học phân hóa trong Chương trình giáo dục phổ mới vừa được Bộ GD&ĐT công bố. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Chương trình GDPT mới là một chương trình mở, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình. Việc “trao quyền” đó không chỉ “giảm tải” cho tâm lý học sinh, mà còn giúp các em chủ động, tự tin với các môn học, từ đó sẽ học tập hào hứng, hiệu quả hơn.
Chương trình GDPT mới chú trọng cả hình thức phân hoá trong (phân hoá vi mô) và phân hoá ngoài (phân hoá vĩ mô).
Phân hoá vi mô thể hiện chủ yếu qua định hướng về phương pháp GD, nhấn mạnh tính tích cực hoá hoạt động của người học; khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân; qua định hướng về đánh giá kết quả GD, nhấn mạnh sự tiến bộ của từng học sinh.
Phân hoá vĩ mô thể hiện ở các môn học tự chọn, các chủ đề, chuyên đề học tập lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp. Ở giai đoạn GD cơ bản, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện GD toàn diện và tích hợp, Chương trình GDPT mới thiết kế một số môn học và hoạt động GD theo các chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những học phần hoặc chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân.
Ở giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và hoạt động GD bắt buộc (gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1; GD Thể chất, GD Quốc phòng và an ninh; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung GD của địa phương), HS được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của mình.
Các môn học lựa chọn được chia thành 3 nhóm môn
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm, các môn học lựa chọn được chia thành 3 nhóm môn: Nhóm môn Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lí, GD kinh tế và pháp luật); Nhóm môn Khoa học Tự nhiên (Vật lí, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Mỗi học sinh được chọn năm môn trong ba nhóm môn này, với điều kiện ở mỗi nhóm môn phải chọn ít nhất một môn.
Ngoài ra, trong mỗi năm học, học sinh chọn học chuyên đề học tập của ba môn bất kì, mỗi môn ba chuyên đề, với tổng số tiết chuyên đề/ môn là 35 tiết/năm học. Với hệ thống chuyên đề này, học sinh có được cơ hội học sâu một số nội dung chuyên môn nâng cao, phù hợp với những ngành nghề mà học sinh định theo đuổi trong tương lai.
Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, việc cho học sinh được lựa năm trong số chín môn học, thay vì phải học tất cả các môn như quy định của chương trình hiện hành, tuy giảm bớt gánh nặng học hành cho các em, nhưng sẽ gây ra một số khó khăn ban đầu cho nhà trường trong việc triển khai kế hoạch GD. Cách thức sắp xếp lớp học có thể sẽ không theo lớp học cố định như lâu nay. Do việc lựa chọn môn học của HS có thể thay đổi hằng năm, nên nhu cầu giáo viên các môn học cũng có sự thay đổi tương ứng. Ngoài ra, hệ thống chuyên đề của ba môn cũng đòi hỏi nhà trường phải có những cách thức sắp xếp lớp học linh hoạt và hiệu quả.
Việc dạy học phân hoá đòi hỏi giáo viên có trình độ chuyên môn và sư phạm cao, thực sự hiểu học sinh để có sự hỗ trợ, hướng dẫn phù hợp đối với mỗi học sinh. Đây là thách thức không nhỏ đối với đội ngũ giáo viên hiện nay./.