Đầu tư cho phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa – góc nhìn từ thực tiễn ở Thường Tín
(ĐCSVN) - Thường Tín, một huyện nằm ở phía Nam Hà Nội, giàu truyền thống khoa bảng cũng là vùng đất trăm nghề, nơi tiếp nhận, giữ gìn và lan tỏa nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Không chỉ được biết đến với truyền thống làng nghề và di sản văn hóa phong phú, Thường Tín đang từng bước chuyển mình theo hướng hiện đại hóa và phát triển bền vững. Trong đó, việc đầu tư phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa đã và đang mang lại những thay đổi tích cực, tạo động lực cho phát triển địa phương.
Giữ gìn, bồi đắp, phát triển văn hóa
Lúc sinh thời danh nhân Cao Bá Quát (1809 - 1855), được người đương thời tôn là bậc “thánh”, gọi Thường Tín là đất “danh hương”. Thường Tín được biết là miền quê của những làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Làng thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái, mộc cao cấp Vạn Điểm... Những làng nghề này không chỉ góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo việc làm cho hàng ngàn người dân địa phương.
Huyện Thường Tín tổ chức Tọa đàm khoa học “Công chúa Khúc Thị Ngọc - con Đức Trị Vì Tĩnh Hải Quân Khúc Thừa Dụ” và chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích Đền - Chùa Vĩnh Mộ, xã Nguyễn Trãi. |
Đặc biệt, Thường Tín còn sở hữu nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh với 462 công trình tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có 126 di tích được xếp hạng (61 di tích cấp quốc gia, 65 di tích cấp thành phố). Nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như: Chùa Đậu; đền, bến Chương Dương; nhà thờ Nguyễn Trãi… tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú cho vùng đất này.
Trải qua hành trình 40 năm đổi mới cùng đất nước, kinh tế - xã hội của Thường Tín đã đạt những thành tựu đáng tự hào, trong đó, Đảng bộ và chính quyền địa phương luôn xác định văn hóa là nền tảng, là động lực, mục tiêu của phát triển, “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Thường Tín đã ban hành Chương trình số 02-CTr/HU, ngày 22/8/2020 về “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng văn minh, giàu đẹp, hiện đại, xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử huyện Thường Tín giai đoạn 2020-2025” và Chương trình số 04-CTr/HU, ngày 22/8/2020 về “Phát triển văn hóa - xã hội trên nền tảng văn hiến truyền thống; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng người Thường Tín thanh lịch, văn minh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực huyện giai đoạn 2020 - 2025”… Từ những chủ trương này đã giúp huyện bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là nguồn lực để huyện phát triển công nghiệp văn hóa đúng như Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đến nay, Thường Tín đã triển khai nhiều dự án xây dựng và nâng cấp các công trình văn hóa. Cùng với đó, các chương trình hỗ trợ vốn, đào tạo nghề và xúc tiến thương mại cho các làng nghề truyền thống cũng được đẩy mạnh.
Cụ thể, ngày 14/11/2022, huyện Thường Tín đã khởi công xây dựng dự án Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê với diện tích 2,7 ha với tổng mức đầu tư ban đầu là 144 tỷ đồng. Bên cạnh đó, là chủ trương xã hội hóa “Đầu tư xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc”. Đây là địa điểm để huyện tổ chức Lễ hội khai bút và tôn vinh các làng nghề truyền thống cấp huyện vào ngày mùng 9 tháng Giêng hằng năm. Công trình đã khánh thành vào năm 2021. Ngoài ra, Thường Tín còn có 74 di tích của huyện được đầu tư chống xuống cấp, tu sửa cấp thiết với kinh phí 78 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước; kinh phí xã hội hóa huy động được từ Nhân dân giai đoạn 2018 - 2022 để tu bổ, tôn tạo di tích là hơn 50 tỷ đồng. Đáng chú ý, một số di tích được các địa phương chủ động xin phép tu bổ, tôn tạo bằng 100% nguồn xã hội hóa.
Để bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, Thường Tín đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Công chúa Khúc Thị Ngọc và chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích đền - chùa Vĩnh Mộ, xã Nguyễn Trãi” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học. Hoạt động này nhằm tìm ra phương hướng trùng tu, tôn tạo cụm di tích đền - chùa Vĩnh Mộ xứng với công lao to lớn của công chúa Khúc Thị Ngọc; đồng thời, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu, tạo điều kiện cho nghiên cứu khoa học và phát triển hoạt động du lịch.
Công nghiệp văn hoá gắn với nông thôn mới đã và đang thắp sáng bộ mặt huyện Thường Tín - Ảnh: Báo tuổi trẻ Thủ đô |
Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh khẳng định, với những nỗ lực đầu tư xây dựng, giữ gìn bảo tồn văn hóa và phát triển văn hóa đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Các làng nghề truyền thống được phục hồi và phát triển, sản phẩm ngày càng đa dạng và chất lượng hơn, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Các lễ hội văn hóa, chương trình nghệ thuật và sự kiện văn hóa được tổ chức thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân và quảng bá hình ảnh Thường Tín.
Hiện nay, theo thống kê, toàn huyện Thường Tín có 126 làng nghề, trong đó có 50 làng được công nhận làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội. Hiện, các sản phẩm làng nghề không chỉ tiêu thụ tốt trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Từ những kết quả trong gìn giữ, khôi phục và phát triển làng nghề. Thường Tín đã có nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới kết hợp giữa phát triển làng nghề gắn với du lịch văn hóa kết hợp với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, tạo nên một không gian sinh hoạt văn hóa sôi động và phong phú.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Thường Tín vẫn đối mặt với không ít thách thức. Trong đó, việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nhân lực trẻ kế cận và sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm công nghiệp. Hạ tầng cơ sở mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, việc quản lý và bảo vệ di sản văn hóa cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết…
Đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cho phát triển văn hóa
Để tiếp tục phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế văn hóa, lịch sử, làng nghề, Thường Tín cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”. Đồng thời, chú trọng, đầu tư đồng bộ, bảo tồn, bồi đắp và phát triển bản sắc “Đất danh hương - khoa bảng - trăm nghề”.
UBND huyện Thường Tín tổ chức Toạ đàm bàn giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng. |
Trong đó, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn với du lịch cần được khai thác một cách bền vững, tránh tình trạng xâm phạm và hủy hoại; đồng thời gắn bảo tồn với phát triển. Chú trọng đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa.
Để duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, cần kết hợp “giữa cầm tay chỉ việc” với sáng tạo và đổi mới, ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất. Các sản phẩm làng nghề cần gia tăng hàm lượng công nghệ từ khâu sản xuất, quảng bá đến tiếp thị để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Cùng với đó, là việc xúc tiến, quảng bá thương hiệu gắn với sự kiện văn hóa, triển lãm và hội chợ thương mại là những cơ hội tốt để giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Phát triển văn hóa gắn với du lịch đang là hướng đi mang lại hiệu quả ở nhiều địa phương. Với 4 điểm du lịch được Thành phố công nhận và nhiều di tích lịch sử độc đáo như: Chùa Đậu, Nhà thờ, Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Văn từ Thượng Phúc… Thường Tín có nhiều tiềm năng để phát triển văn hóa gắn với du lịch mang lại hiệu quả. “Bài toán” bây giờ là hướng đi và cách làm, trong đó phải xem ứng dụng công nghệ là ưu tiên để có những sản phẩm du lịch mang lại hiệu quả thiết thực, định hình sản phẩm công nghiệp văn hóa của địa phương.
Có thể khẳng định, đầu tư cho phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa tại Thường Tín đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng và vượt qua những thách thức, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, sự hỗ trợ của chính quyền và sự sáng tạo, nỗ lực không ngừng của các nghệ nhân và người dân. Chỉ khi đó, Thường Tín mới thực sự trở thành một điểm sáng về văn hóa và công nghiệp văn hóa, góp phần vào sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước./.