Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề Biển Đông và chủ quyền biển, đảo Việt Nam

Thứ Năm, 29/08/2024 11:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Sáng 29/8, tại thành phố Đà Nẵng, Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề Biển Đông và chủ quyền biển, đảo Việt Nam qua thực tiễn các tỉnh, thành Duyên hải miền Trung”.

 PGS.TS Đoàn Triệu Long, Uỷ viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III trình bày đề dẫn Hội thảo.

Trình bày đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Đoàn Triệu Long, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng, công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng và Nhà nước, trong đó có nội dung chống phá, xuyên tạc về vấn đề Biển Đông và chủ quyền biển đảo Việt Nam thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng, qua đó góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền và giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Đoàn Triệu Long, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ chủ quyền biển đảo, đứng trước nhiều khó khăn, phức tạp; bên cạnh đó, sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và Quân đội ta cũng ngày càng tinh vi, nham hiểm, trực diện hơn. Trong bối cảnh đó, PGS.TS Đoàn Triệu Long nhấn mạnh, việc nhận diện, làm rõ bản chất các luận điệu xuyên tạc, chống phá, đấu tranh phê phán hoạt động lợi dụng vấn đề Biển Đông, chủ quyền biển, đảo của các thế lực thù địch, phần tử phản động là việc làm thường xuyên và cấp thiết hiện nay để bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển; giữ vững ổn định chính trị - xã hội và môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển bền vững đất nước.

Vì thế, để công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề Biển Đông và chủ quyền biển, đảo Việt Nam đạt hiệu quả cao, lan tỏa rộng rãi, rất cần những nghiên cứu, trao đổi chuyên sâu của các nhà khoa học, quản lý nhằm đánh giá đúng thực trạng, làm rõ những khó khăn, thách thức, đúc kết các kinh nghiệm qua thực tiễn các tỉnh, thành, từ đó gợi mở, đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ thực hiện trong giai đoạn mới.

PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. 

Xuất phát từ những vấn đề trên, Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề Biển Đông và chủ quyền biển đảo Việt Nam qua thực tiễn các tỉnh, thành Duyên hải miền Trung” lần này có ý nghĩa thực tiễn và lý luận rất lớn.

Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được 50 tham luận của các tác giả trong và ngoài Học viện, các tỉnh, thành khu vực miền Trung, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... đề cập khá toàn diện với nhiều nội dung, khía cạnh xoay quanh chủ đề của Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, tích cực trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những nội dung chủ yếu như: Làm rõ bối cảnh, cục diện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông hiện nay; làm rõ âm mưu, thủ đoạn, phương thức của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề Biển Đông, tranh chấp chủ quyền biển đảo để tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội, chống phá chế độ. Nhận diện các quan điểm, luận điệu sai trái, quan điểm thù địch lợi dụng vấn đề Biển Đông, tranh chấp chủ quyền biển đảo để chống phá đất nước, chế độ. Làm rõ thực trạng công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, quan điểm thù địch về vấn đề Biển Đông và chủ quyền biển đảo Việt Nam qua thực tiễn các tỉnh, thành Duyên hải miền Trung, từ đó đúc rút một số kinh nghiệm, bài học. Đề xuất, gợi mở các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề Biển Đông và chủ quyền biển đảo Việt Nam trong tình hình mới./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN