"Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi"
(ĐCSVN) - Tục "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" ngày Tết của người Việt xuất phát từ những niềm tin tâm linh và cũng từ nhu cầu đời sống thực tế. Ngày nay, khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, phong tục này dần trở nên mai một.
“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” gắn với hai tập tục của người Việt trong năm mới, đó là vào những ngày đầu tiên của năm mới người Việt có thói quen mua một ít muối về nhà lấy may cho cả năm và vào những ngày cuối năm, người ta mua vôi về để quét lại nhà, tường, cổng cũng như tránh những điều không may.
Việc mua muối đầu năm của mỗi gia đình thường bắt đầu trong buổi sớm mồng 1 Tết. Chính vì thế, ngay từ sáng mồng 1 Tết, tại các vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhiều người đi bán muối dạo qua khắp các con phố, đường làng hoặc mang thúng muối ra bán ngay trước cổng chùa.
Tục "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" ngày Tết của người Việt xuất phát từ những niềm tin tâm linh và cũng từ nhu cầu đời sống thực tế. |
Nhiều gia đình đi chợ đầu năm cũng phải tìm mua lấy may cho cả năm và không ai kỳ kèo mặc cả bao giờ. Đặc biệt, với những vùng có thói quen đong bằng bát sát miệng (bằng miệng) như gạo, thóc, kê, đậu, vừng thì muối bao giờ cũng đong có ngọn, chứ không gạt miệng sợ về sẽ mất lộc, mất mặn mà.
Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, và có thể xua đuổi tà ma, và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm để giữ cho quanh năm tình người cũng mặn mà, gia đình hòa khí, sự hòa thuận, gắn bó keo sơn giữa vợ chồng, con cái. Hơn thế nữa còn là sự mặn mà, tình thân thiết quanh năm trong các quan hệ ứng xử, quan hệ làm ăn. Bên cạnh đó, người Việt vốn cần cù, chịu khó và rất tiết kiệm. Ý nghĩa của việc “mua muối đầu năm” là để cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè, ăn nhịn”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà.
Ngược lại với tục mua muối, người ta thường tránh mua vôi đầu năm vì vôi trắng, người xưa quan niệm vôi là biểu tượng cho sự bạc bẽo, ca dao xưa cũng đã có câu "bạc như vôi". Tránh mua vôi vào đầu năm là tránh những rủi ro trong năm mới, tránh được những mối hiểm nguy, hiềm khích và rạn nứt. Và cũng bởi, xưa các cụ làm nhà vật liệu phải tích cóp hàng năm trời hoặc mấy năm trời trong đó có cả vôi làm vữa xây. Việc tôi vôi chỉ dám thực hiện vào cuối năm; tôi vôi, vôi sẽ rã ra hết và đó sẽ là điều không may mắn.
Vôi cũng là để quét lại căn nhà, tường cổng cho sạch sẽ, trắng tinh tươm, chuẩn bị đón năm mới. Ngôi nhà được quét vôi mới cũng là để xóa đi những điều không hay trong năm cũ, thể hiện một sự khởi đầu, bắt đầu lại để sửa chữa những sai lầm, khôi phục lại những thất bát đã qua. Ở nông thôn, nhiều gia đình cũng có quan niệm rằng rắc vôi bột ở 4 góc vườn rồi vẽ hướng ra phía cổng để xua đuổi ma quỷ.
Tục "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" ngày Tết này dần trở nên mai một vì bây giờ muối đã không còn đắt giá như ngày xưa, vôi không còn lựa chọn duy nhất để làm mới nhà. Tuy nhiên, nhưng cái ở sâu bên trong văn hóa thì thường khó đổi, đó có thể xem như những gì được gọi là mã văn hóa - tri thức dân gian, những cảm nhận đẹp đẽ về cuộc đời mà tiền nhân đúc kết. Những điều này là chỉ dẫn đúng đắn cho bất kỳ thế hệ nào, bởi vì sau cùng thì Tết Nguyên đán vẫn là điều quan trọng với người Việt.