Dấu ấn tình yêu của người Pa Cô
(ĐCSVN) – Sinh sống lâu đời tại vùng đất huyện A lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng bào dân tộc Pa Cô hình thành, lưu giữ một kho tàng văn hoá truyền thống đặc sắc, trong đó tục đi sim là một dấu ấn văn hoá tuyệt đẹp về tình yêu của người Pa Cô.
Theo già làng dân tộc Pa Cô cho biết Pộôc xu hay còn gọi là “đi sim” là tập tục đã có từ lâu đời vẫn lưu truyền đến nay trong thế hệ trẻ. Các chàng trai cô gái dân tộc Pa Cô khi đến tuổi trăng tròn, sau ngày lên nương làm rẫy, vào mùa trăng sáng đẹp họ lại nô nức rủ nhau đi sim. Đi Sim là dịp để các đôi nam nữ đến tuổi dựng vợ gả chồng tìm hiểu nhau, trao nhau những làn điệu, câu hát, những bản nhạc làm say đắm lòng người.
Những mùa trăng thanh hữu tình, người con trai, con gái Pa Cô trên rẻo cao lại tìm đến bên những con suối, hay những chòi A Tiêng thơ mộng dựng giữa rừng để cùng trò chuyện, tìm hiểu, tâm tình trò chuyện với nhau. Cứ như vậy, những mùa Sim đi qua sẽ có những đôi trai gái người Pa Cô nên duyên vợ chồng.
Khi đi sim các cô gái đi mang theo chiếc Tựp đầy cơm nếp, thịt gà, cá nướng làm vật nhận lời, họ lên chòi chờ người yêu “Târ roonh” tới. Để tránh mưa, người con gái đi sim còn đem theo một cái gối và chăn để ngủ lại chòi ở giữa rừng. Những câu hát nỉ non của người con gái Pa Cô cất lên, “chàng ơi, bếp lửa đang đợi, chòi A tiêng đang chờ, lòng em mỏi mòn mong mùa trăng đến”.
Còn chàng trai Pa Cô mang theo chuỗi cườm, hạt mã não.... làm vật ngỏ lời, khi chàng trai tới chòi, cô gái vờ ngủ. Chàng trai Pa Cô không lên thẳng trên chòi mà đứng dưới chân cầu thang hát gọi, Nàng ơi, nhớ nhung anh vượt đồi cao suối sâu về đây cùng em/ Mình về bên nhau để núi nghiêng trăng ngả/ Mình về bên nhau để gió ngưng mây ngừng/ Suối hát ru tình yêu muôn thuở/ Núi ôm trọn vòng tay bình yên…
Những làn điệu, bài hát gọi của người Pa Cô phong phú làn điệu và cách thể hiện, chàng trai Pa Cô hát đến khi được cô gái đáp lại, mới được lên chòi A Tiêng nơi cô gái chờ. Bên bếp lửa bập bùng, tới nửa đêm nếu ưng thuận chàng trai, cô gái Pa Cô mời chàng trai thưởng thức những món ăn mình mang theo. Ngược lại, nếu cô gái không chịu trao món cỗ tình yêu đồng nghĩa với “Từ chối lời cầu hôn của chàng”. Vì vậy, để chiếm được cảm tình cô gái, chàng trai Pa Cô không chỉ hát, mà còn đàn cho thật hay, thật xao xuyến, dáng vẻ, nét mặt thật dễ thương sao cho cô gái Pa Cô chịu mở lòng với mình.
Chàng trai và cô gái người Pa Cô cùng nhau đi tìm chỗ riêng tư để tâm tình. |
Người Pa Cô hình thành và lưu giữ nhiều bài hát, làn điệu hát tỏ tình giao duyên đằm thắm, với những ca từ đẹp để bày tỏ nỗi lòng yêu thương của đôi trai gái dành cho nhau. Có các thể loại chính như Cha chấp, Xiềng, Ba bói, Phỉ ku moor hay bằng tiếng đàn abeel, âng krao, âng koái, tireel, khền, tâm preh nỉ non tha thiết… qua những điệu hát này tình cảm giữa người con trai, con gái ngày càng khăng khít, bền chặt hơn để có thể về thưa với cha mẹ và đi đến một cuộc hôn nhân trọn vẹn.
Nét đặc sắc trong tục đi sim người Pa Cô đó là, những đôi trai gái dù cùng ăn, ở, sống bên nhau, cùng đắp tấm zèng ấm áp qua đêm trong căn chòi cách biệt bên ngoài, giữa khung cảnh lãng mạn một thời gian dài nhưng họ vẫn giữ gìn tình yêu trong sáng, không vi phạm chuyện “chăn gối”. Người Pa Cô quan niệm đó là điều thiêng liêng, khi yêu nhau phạm chuyện đó thật xấu hổ, Giàng sẽ trừng phạt bằng cách gây ra đau ốm, chết chóc cho gia đình, làng bản. Già làng biết chuyện cha mẹ, gia đình, họ tộc sẽ bị phạt rất nặng. Vì thế các chàng trai cô gái đã đến tuổi trăng tròn, được cha mẹ cho phép đi tìm bạn tình nhưng, tuyệt đối không phạm tục đi sim.
Ngày nay, tục đi sim của người Pa Cô có phôi pha trong xã hội hiện đại, nhưng những nét đẹp, thơ mộng, lãng mạn, kín đáo và đầy trong sáng của những đêm đi sim luôn là ký ức đẹp không phai với những người đã từng đi qua, một dấu ấn văn hóa tuyệt đẹp về tình yêu của người Pa Cô nơi miền sơn cước.