Dấu ấn của Ấn Độ trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20
(ĐCSVN) – Ngày 1/12, Ấn Độ bàn giao cương vị Chủ tịch G20 cho Brazil, sau cột mốc tròn 365 ngày đảm nhiệm trọng trách này. Nhìn lại 1 năm qua, “đất nước tỷ dân” đã để lại nhiều dấu ấn trên cương vị Chủ tịch G20, trong đó có việc củng cố vị trí của một nền tảng toàn cầu trong lĩnh vực hợp tác giữa các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: thedailyguardian |
Với Ấn Độ, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 trong năm qua được coi là cơ hội để nước này theo đuổi “mục tiêu kép”, vừa định hướng lại trọng tâm của G20 là hướng tới các vấn đề lấy con người làm trung tâm, đặc biệt là tại Nam bán cầu; đồng thời giới thiệu tới thế giới về những nét tinh hoa của “đất nước tỷ dân”, gồm sự đa dạng về mặt văn hóa, cũng như triết lý về sự hòa nhập.
Trên cương vị Chủ tịch G20, trong năm qua, Ấn Độ đã tiếp đón hơn 10.000 đại biểu nước ngoài đến thăm và tổ chức 200 cuộc họp tại các địa điểm trải dài trên khắp đất nước. Điều đó đã khiến nhiệm kỳ Chủ tịch G20 trở thành cơ hội để Ấn Độ minh chứng và thể hiện cho thế giới về những kỳ tích của một nền kinh tế thuộc top đầu trong khu vực.
Lãnh đạo nhiều nước ca ngợi Ấn Độ vì vai trò lãnh đạo của nước này trong G20 và những nỗ lực hỗ trợ Nam bán cầu trong đại dịch COVID-19, đồng thời ghi nhận vai trò của Ấn Độ trong việc vận động đưa Liên minh châu Phi (AU) vào G20.
Một dấu ấn khác của Ấn Độ trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ đó là nỗ lực vị thế, tiếng nói của các quốc gia Nam bán cầu. Trong thời gian này, Ấn Độ đã đưa các nước vào lộ trình đạt được 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc vào năm 2030, gồm các mục tiêu như xóa đói giảm nghèo, xóa đói, phổ cập giáo dục…
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20, Ấn Độ đã tổ chức hai Hội nghị thượng đỉnh “Tiếng nói phương Nam”, với mục tiêu được Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh là nhằm “nâng cao tiếng nói của các quốc gia ở Nam bán cầu… Với ưu tiên là làm cho G20 trở nên toàn diện và lấy con người làm trung tâm".
“Nỗ lực của chúng tôi là đảm bảo rằng trọng tâm của G20 là sự phát triển của con người, do con người và vì con người” – nhà lãnh đạo Ấn Độ khẳng định.
Một trong những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực tài chính của G20 trong năm Ấn Độ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G20 là cải cách hệ thống ngân hàng phát triển đa phương (MDB). Như Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman hồi tuần trước đã khẳng định rõ sự tin tưởng rằng, Ấn Độ có thể đạt được “sự đồng thuận trong việc xây dựng các tổ chức ngân hàng phát triển đa phương lớn hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn”. Theo bà Sitharaman, một số MDB hiện đang “khám phá các lựa chọn hợp tác với nhau về nguồn tài chính đổi mới”. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng nhấn mạnh tới việc nâng cao hiệu quả của các MDB để có thể bắt kịp nhu cầu của thế kỷ 21.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, một trong những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ là đã thể hiện được những ưu việt của cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số (DPI) của nước này, với mục tiêu mang lại sự tăng trưởng toàn diện và bền vững. Ấn Độ hiện sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ của mình cho những nước quan tâm. Theo số liệu của bà Sitharaman thì hiện Ấn Độ đã ký Biên bản ghi nhớ với bảy quốc gia về vấn đề này.
Đáng chú ý, chương trình nghị sự của New Delhi trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 về huy động tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển và kém phát triển đang được chuyển tới Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP28, khai mạc ngày 30/11 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Những trọng tâm của Ấn Độ vào Nam bán cầu sẽ không bị xao lãng sau khi nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của nước này kết thúc, bởi nước kế nhiệm Brazil đã khẳng định chủ trương tiếp tục theo đuổi các chương trình nghị sự ưu tiên của Ấn Độ như cải cách MDB, tập trung vào khả năng phục hồi sau thảm họa…
Trong tuyên bố cách đây ít lâu, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nhấn mạnh nước này sẽ coi những nỗ lực giải quyết các vấn đề bất bình đẳng là nội dung cốt lõi trong nhiệm kỳ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch G20. Theo ông Silva, việc đảm nhận chức Chủ tịch G20 sẽ mang lại cho Brazil những thách thức lớn. Song với tư cách là một trong những thành viên sáng lập của G20, nhà lãnh đạo Brazil nhấn mạnh thế giới cần sự cân bằng và các cuộc gặp gỡ quan trọng như trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 đã cho thấy tầm quan trọng của một thế giới đa cực.
Thủ tướng Narendra Modi phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20. (Ảnh: PTI) |
Nhân dịp tròn 1 năm Ấn Độ đảm nhận chức Chủ tịch G20, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có bài viết “Hướng tới một tương lai tươi sáng hơn: Năm chủ tịch G20 của Ấn Độ và Bình minh của Chủ nghĩa đa phương mới”.
Điểm lại bối cảnh khó khăn khi Ấn Độ đảm nhiệm trách nhiệm này vào năm ngoái, Thủ tướng Modi cho biết, bối cảnh toàn cầu khi ấy đang đứng trước thách thức nhiều mặt: sự phục hồi sau đại dịch COVID-19, các mối đe dọa về khí hậu đang rình rập, bất ổn tài chính và khó khăn nợ nần ở các quốc gia đang phát triển, tất cả cùng tồn tại trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương đang suy giảm. Giữa những xung đột và cạnh tranh đó hợp tác phát triển bị ảnh hưởng đồng thời sự tiến bộ cũng bị cản trở.
“Đảm nhận vị trí Chủ tịch G20, Ấn Độ đã tìm cách mang đến cho thế giới một giải pháp để thay thế hiện trạng, chuyển từ phát triển lấy GDP làm trung tâm sang lấy con người làm trung tâm. Ấn Độ muốn nhắc nhở thế giới về những gì đoàn kết chúng ta hơn là những gì chia rẽ chúng ta. Cuối cùng, chúng ta nhận ra đối thoại toàn cầu cần thay đổi - lợi ích của số ít phải nhường chỗ cho khát vọng của số đông. Điều này đòi hỏi một cuộc cải cách cơ bản về chủ nghĩa đa phương như chúng ta đã biết” – nhà lãnh đạo Ấn Độ khẳng định.
Theo ông Modi, trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Ấn Độ, G20 đã đạt được 87 kết quả và 118 văn kiện đã được thông qua, đánh dấu một sự gia tăng rõ rệt so với trước đây. Ấn Độ cũng đã dẫn đầu các cuộc thảo luận về các vấn đề địa chính trị và tác động của chúng đối với tăng trưởng cũng như phát triển kinh tế. Theo đánh giá của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, việc đưa AU trở thành thành viên thường trực của G20 đã đưa 55 quốc gia châu Phi vào diễn đàn, mở rộng tổ chức này tới 80% dân số toàn cầu. Lập trường chủ động này đã thúc đẩy một cuộc đối thoại toàn diện hơn về những thách thức và cơ hội toàn cầu...
Cuối bài viết, nhà lãnh đạo Ấn Độ bày tỏ sự vui mừng vì trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20, Ấn Độ đã đạt được những điều phi thường: nhiệm kỳ đã hồi sinh chủ nghĩa đa phương, nâng cao tiếng nói của phương Nam, đề cao sự phát triển và đấu tranh để trao quyền cho phụ nữ ở khắp mọi nơi… "Khi bàn giao chức Chủ tịch G20 cho Brazil, chúng tôi đã thực hiện điều đó với niềm tin rằng mỗi bước chúng ta đi vì con người, vì hành tinh này, vì hòa bình và thịnh vượng, sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới” – ông Modi bày tỏ./.