Đặt tên cho trẻ có cần tuân thủ pháp luật?
(ĐCSVN) - Thời gian qua, nhiều bạn đọc gửi ý kiến hỏi về việc đặt tên cho trẻ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Để làm rõ vấn đề này, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã tham khảo ý kiến chuyên gia để phân tích, làm rõ quy định của pháp luật về tình huống này.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật gia Nguyễn Minh Phương (Công ty luật TNHH Trường Sơn, địa chỉ tại thành phố Hà Nội) cho biết, việc đặt tên cho con hiện nay đã có nhiều thay đổi, thể hiện quan điểm, nhận thức đa dạng của người đứng ra khai sinh đã dần dần không còn theo phong cách cũ mặc định con trai có đệm là “Văn” và con gái có đệm là “Thị”.
Theo Khoản 1 Điều 26 Mục 2 Chương III phần thứ nhất Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015) quy định cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
Liên quan tới quy định đặt tên, Khoản 3 Điều 26 Mục 2 Chương III phần thứ nhất Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ, việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.
Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 6 Mục 1 Chương II Thông tư 04/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 5 năm 2020 cũng quy định: Nội dung khai sinh được xác định theo Khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch, Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP và hướng dẫn sau đây: Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng. Trong khi đó, tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, không phải tiếng dân tộc của Việt Nam.
Giấy khai sinh là giấy tờ có giá trị pháp lý quan trọng trong cuộc đời mỗi người (Ảnh minh họa, nguồn: ebh.vn) |
Nếu cháu bé được sinh ra tại nước ngoài, theo Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BNG-BTP ngày 30 tháng 6 năm 2016 hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, quy định cơ quan đại diện của Việt Nam ở khu vực lãnh sự nơi cha hoặc mẹ của trẻ em cư trú hoặc nơi trẻ em sinh ra thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại nước ngoài, chưa được đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;
- Có mẹ là công dân Việt Nam, cha là người không quốc tịch hoặc chưa xác định được người cha;
- Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người kia là người nước ngoài, cha và mẹ có văn bản thỏa thuận lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con khi đăng ký khai sinh.
Luật gia Phương phân tích, về trách nhiệm đăng ký khai sinh, Điều 15 Mục 1 Chương II Luật Hộ tịch năm 2014 (Luật số: 60/2014/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014) quy định trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Thực tế ghi nhận thời gian qua có tình trạng người dân, thậm chí cán bộ chưa hiểu hết, hiểu kỹ quy định của pháp luật nên lầm tưởng khai sinh tên con, tên cháu như nào tùy thích, nhiều trường hợp không phù hợp với phong tục tập quán của Việt Nam.
“Trước đây có trường hợp người dân làm thủ tục khai sinh cho trẻ gồm 6-8 chữ, hoặc đặt tên không đúng tiếng Việt cán bộ hộ tịch chỉ có thể khuyên nên chọn tên ngắn cho phù hợp hơn, tránh phát sinh tình huống khó trong cuộc sống sau này, vì giấy khai sinh là tấm vé thông hành cho cả cuộc đời, nếu không đảm bảo yếu tố thuần Việt khi trình bày trong văn bản, làm thủ tục đi học, đi làm, dịch vụ ngân hàng, viễn thông… sẽ phát sinh phức tạp và không đảm bảo khoa học trong thời đại công nghệ số”, Luật gia Phương nhấn mạnh./.