Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo

Thứ Sáu, 27/09/2024 15:09 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Hội thảo khoa học "Đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo" là một trong những hoạt động có ý nghĩa nhằm triển khai thực hiện Kết luận số 91- KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

 Hội thảo khoa học "Đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo" tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (Phường Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) 

Ngày 27/9, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Tuyên giáo Trung ương và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo".

Các đồng chí: Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương; Phùng Gia Thế, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2; Mai Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo có lãnh đạo một số vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; đại diện các trường sư phạm và một số cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, sở giáo dục và đào tạo; các chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Các đại biểu dự Hội thảo. 

Đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo với sự tham gia của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Cách đây 8 năm, năm 2016, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 46, khái niệm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được đề xướng bởi Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Giáo sư Klaus Schwab. Đó là một cuộc cách mạng khoa học, công nghệ mới của nhân loại. Cùng với dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) được coi là một trong những đặc trưng cơ bản nhất của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy vậy, tại thời điểm ấy, trí tuệ nhân tạo vẫn chỉ là chủ đề quen thuộc của giới công nghệ, chưa hiện hữu phổ biến trong đời sống xã hội.

Bước ngoặt xuất hiện vào cuối năm 2022 khi Open AI ra mắt ChatGPT, đánh dấu một bước đột phá lớn trong sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Đây là một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển AI, mở ra những tiềm năng mới về ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội. 

 Đồng chí Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo. 

Đồng chí Lê Huy Nam nêu rõ: Ngày 12/8/2024, trong Kết luận số 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Chính trị yêu cầu “Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo”. Trong đó nhấn mạnh: “Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển giáo dục số, giáo dục thông minh, giáo dục cá nhân hoá, giáo dục sáng tạo, giáo dục thích ứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo”. Đây là những chủ trương quan trọng của Trung ương, là cơ sở chính trị quan trọng cho những đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo với sự tham gia của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong giai đoạn tới.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS Phùng Gia Thế, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết: Trải qua gần 60 năm thành lập, xây dựng và phát triển tại Xuân Hòa (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu, trở thành một trong những trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ có uy tín, góp phần vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của cả nước. Với tổng số viên chức là 500 người, hiện Nhà trường đang đào tạo 19 ngành đại học, 17 chuyên ngành thạc sĩ, 05 chuyên ngành tiến sĩ và nhiều chương trình bồi dưỡng giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục. 

 PGS.TS Phùng Gia Thế, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 phát biểu chào mừng Hội thảo.

Mục tiêu tới năm 2030, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 trở thành một trong những trường đại học sư phạm hàng đầu của Việt Nam, là trường đại học có uy tín ở khu vực Đông Nam Á về đào tạo giáo viên và kết nối với hệ thống các trường phổ thông, hướng tới các trường đại học sư phạm hàng đầu châu Á.

 Theo PGS.TS Phùng Gia Thế, để đạt được mục tiêu trên, vấn đề phát triển công nghệ số, trí tuệ nhân tạo được Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đặc biệt quan tâm và đã thành lập Ban đề án triển khai đến cấp khoa, tập huấn cho đội ngũ giảng viên cũng như hỗ trợ các em sinh viên tiếp cận nội dung.

Cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở đào tạo và giảng viên tiên phong trong việc ứng dụng AI

Với 18 tham luận và nhiều ý kiến phát biểu, trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ xu hướng phát triển công nghệ số và trí tuệ nhân tạo; kinh nghiệm quốc tế, thời cơ, thuận lợi, thách thức và định hướng đối với giáo dục và đào tạo Việt Nam. Thực trạng công tác đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo. Chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.

PGS. TS. Nguyễn Văn Hiền, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày tham luận "Đổi mới công tác đào tạo giáo viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong thời đại công nghệ số". 

 Theo TS. Kim Mạnh Tuấn, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội): Quản trị cơ sở giáo dục ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay đang chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển của công nghệ số, đặc biệt là AI. Cuộc cách mạng này không chỉ thay đổi cách chúng ta sống và làm việc mà còn làm thay đổi căn bản các phương pháp giáo dục và cách thức quản trị cơ sở giáo dục. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến này vào quản trị cơ sở giáo dục không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình quản lý mà còn nâng cao chất lượng giảng dạy, cải thiện sự tiến bộ của học sinh và chuẩn bị cho các em những kỹ năng cần thiết để thành công trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, để thực sự tận dụng được các cơ hội mà công nghệ mang lại, các cơ sở giáo dục cần phải đối mặt với những thách thức về hạ tầng, đào tạo và phát triển năng lực công nghệ, cũng như xây dựng các chiến lược quản trị linh hoạt và sáng tạo.

TS. Kim Mạnh Tuấn cũng lưu ý, việc áp dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo vào quản trị cơ sở giáo dục không thể được thực hiện một cách đồng nhất cho tất cả các cấp học mà phải có sự điều chỉnh phù hợp với từng cấp học và đối tượng học sinh.

TS. Kim Mạnh Tuấn, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày tham luận "Quản trị cơ sở giáo dục trong kỷ nguyên của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo: Cơ hội, thách thức và những khuyến nghị". 

Đánh giá tác động của AI trong đào tạo giáo viên Ngữ văn, PGS.TS. Bùi Minh Đức, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho hay: AI cho thấy những tiềm năng to lớn trong đào tạo giáo viên Ngữ văn, nhất là trong việc tìm kiếm, phát triển nội dung, học liệu; phân tích văn bản; thiết kế và tổ chức các hoạt động dạy học thông qua các nhiệm vụ học tập sáng tạo, hấp dẫn, được xây dựng bằng các công cụ thông minh; hỗ trợ sinh viên sư phạm trong các hoạt động thực hành rèn luyện nghiệp vụ sư phạm; tăng cường các năng lực đọc hiểu và tạo lập văn chương thông qua các hoạt động hỗ trợ kiến thức và cách thức đọc hiểu, đề xuất, gợi ý các ý tưởng, thao tác tạo lập văn bản hay chuyển thể các tác phẩm văn chương sang các loại hình nghệ thuật khác.

Tuy nhiên, việc lạm dụng AI cũng đặt ra những thách thức về vi phạm đạo đức xã hội, bản quyền hoặc kìm hãm sự phát triển các năng lực nghề nghiệp mang tính đặc thù của người giáo viên Ngữ văn, nhất là năng lực văn học, năng lực cảm xúc thẩm mỹ.

 PGS. TS. Bùi Minh Đức, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 trình bày tham luận "Nghiên cứu tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo giáo viên Ngữ văn tại một số cơ sở đào tạo giáo viên ở Việt Nam".

Dựa trên việc phân tích các nghiên cứu trong và ngoài nước, qua khảo sát giảng viên và sinh viên ngành Ngữ văn về ứng dụng AI đào tạo giáo viên, nhóm tác giả nêu một số khuyến nghị để việc ứng dụng AI vào đào tạo giáo viên Ngữ văn hiệu quả hơn, như: Cần có chính sách đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trang bị các phần mềm và công cụ AI hiện đại cho các cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó có giáo viên Ngữ văn; Xây dựng hệ thống quản lý học tập tích hợp AI để hỗ trợ giảng dạy và học tập. Đồng thời, cần chú trọng tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng ứng dụng AI trong giảng dạy cho đội ngũ giảng viên; bổ sung nội dung đào tạo về AI và cách thức ứng dụng AI vào chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn; tích hợp AI trong phát triển chương trình và phương pháp đào tạo. Mặt khác, khuyến nghị các cơ quan quản lý giáo dục cần xây dựng và ban hành những hướng dẫn và quy tắc đạo đức về việc sử dụng AI trong giáo dục; xây dựng cơ chế, bộ công cụ đánh giá tính hiệu quả của việc ứng dụng AI trong đào tạo giáo viên Ngữ văn...

“Việc triển khai các khuyến nghị trên cần được thực hiện có lộ trình, phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ sở đào tạo, đồng thời cần có sự giám sát và đánh giá thường xuyên để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp”, PGS.TS. Bùi Minh Đức chia sẻ.

PGS.TS Mai Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo. 

Nhấn mạnh ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo là xu thế tất yếu, PGS.TS Mai Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho rằng để triển khai hiệu quả thì phải đưa tư tưởng này lan tỏa trong đội ngũ giảng viên và học sinh, sinh viên. Thực tế cho thấy, hiện nay đội ngũ giáo viên, giảng viên trong lĩnh vực này đang được thu hút vào khu vực tư nhiều hơn.

Do đó, PGS.TS Mai Xuân Trường đề xuất cần có chế độ chính sách để thu hút, khuyến khích hỗ trợ tài chính cho các cơ sở đào tạo và giảng viên tiên phong trong việc ứng dụng AI để họ phát huy năng lực và nhân rộng đội ngũ này trong tương lai. Đồng thời, việc cập nhật, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trước sự phát triển của AI trong giáo dục và đào tạo là cần thiết.

GS. TS. Vũ Văn Hùng, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày tham luận "Trí tuệ nhân tạo, xu hướng phát triển và những tác động tới giáo dục và đào tạo". 

Sớm hành động để thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và AI

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Sau hơn 3 giờ làm việc khẩn trương, khoa học, hầu hết các nội dung của Hội thảo đã được thực hiện. Các tham luận, ý kiến phát biểu, trao đổi đều rất chất lượng, mang đến cho người nghe nhiều thông tin mới, bổ ích.

Tóm tắt một số kết quả nổi bật của Hội thảo cùng một số khuyến nghị sau Hội thảo, đồng chí Lê Huy Nam nhấn mạnh: Trí tuệ nhân tạo đang tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thúc đẩy sự thay đổi toàn diện từ cách dạy, cách học cho đến cách quản trị nhà trường. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều nguy cơ cho giáo dục và đào tạo, như sự lệ thuộc quá mức vào công nghệ, giảm tính sáng tạo tự nhiên của học sinh, và nguy cơ mất đi mối tương tác con người trong quá trình dạy học. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo thiếu kiểm soát có thể dẫn đến bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền. Để giảm thiểu các tác động tiêu cực này, cần có chiến lược ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách hợp lý, đảm bảo sự cân bằng giữa công nghệ và yếu tố con người, đồng thời trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ an toàn cho cả giáo viên và học sinh. Các cơ sở đào tạo giáo viên, các trường sư phạm cần phải nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để không bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi và bứt phá trong công tác đào tạo giáo viên của nhà trường với sự tham gia của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.

  Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Theo đồng chí Lê Huy Nam, Hội thảo khoa học "Đào tạo giáo viên trước tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo" là một trong những hoạt động có ý nghĩa nhằm triển khai thực hiện Kết luận số 91- KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ban Tổ chức hy vọng Hội thảo mang tới cho các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo giáo viên cách nhìn mới về trí tuệ nhân tạo, về trí tuệ nhân tạo trong giáo dục và đào tạo, về sự cấp bách, sự cần thiết phải hành động để công tác đào tạo giáo viên của các nhà trường sớm thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo./.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN