Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

"Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay"

Thứ Tư, 05/06/2024 20:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Ngày 5/6, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”.

Hội thảo là một hoạt động khoa học có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024). Hội thảo cũng góp phần triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: cand)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng, làm thay đổi căn bản nhiều mặt hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động báo chí - truyền thông. Điều này đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với công tác đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay để có thể theo kịp xu thế phát triển chung và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao kịp thời cho xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số.

Đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí - truyền thông số ở nước ta. Điều này đã được khẳng định trong Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", khi Chính phủ đặt ra mục tiêu “100% các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí hoặc có khoa báo chí cập nhật các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số trong chương trình đào tạo cho sinh viên; 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí”.

Hội thảo “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay” là dịp để các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, quản lý các ban, bộ, ngành, các cơ sở đào tạo, cơ quan báo chí - truyền thông nghiên cứu trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số; đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng, chia sẻ các kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.

Các tham luận tại Hội thảo đều khẳng định: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của báo chí - truyền thông hiện nay nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ công chúng tốt nhất, nhanh nhất, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ thông tin - tuyên truyền, định hướng dư luận trong bối cảnh mới.

Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”. 

Nhiều ý kiến tham luận và thảo luận cũng đã phân tích quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, nguyên tắc, phương châm, phương pháp, điều kiện, yêu cầu, nội dung, các yếu tố tác động đến công tác đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Đồng thời phân tích thực trạng đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam thời gian qua; làm rõ những hạn chế, bất cập về đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay...

Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam. Trong đó các ý kiến nhấn mạnh cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng báo chí - truyền thông, của đội ngũ giảng viên, học viên, sinh viên về sự cần thiết gắn việc dạy và học ngành báo chí - truyền thông với các yêu cầu của bối cảnh chuyển đổi số hiện nay; sớm ban hành một khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng báo chí - truyền thông phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, trên tinh thần bám sát quan điểm xây dựng nền báo chí truyền thông nước nhà “chuyên nghiệp - nhân văn - hiện đại”.

Cần có một đề án quy hoạch các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng báo chí của quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số, tạo điều kiện cho mỗi cơ sở hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng đầu vào, đầu ra trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhân lực báo chí - truyền thông; chú trọng kiện toàn, xây dựng đội ngũ giảng viên báo chí - truyền thông, đảm bảo cơ cấu số lượng hợp lý, bố trí công tác phù hợp với ưu điểm, thế mạnh của mỗi cá nhân; gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với các cơ quan, doanh nghiệp tuyển dụng lao động báo chí - truyền thông trong công tác đào tạo, trong tổ chức thực tập, làm việc cho học viên, sinh viên...

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: Hội thảo đã cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng cả về lý luận và thực tiễn về vấn đề đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia nói chung và Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí nói riêng, xây dựng nền báo chí truyền thông “chuyên nghiệp - nhân văn - hiện đại”.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các đơn vị liên quan sẽ phối hợp chắt lọc ý kiến tham luận, góp ý để xây dựng báo cáo kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, để tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác đào tạo người làm báo Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới của chiến lược chuyển đổi số./.

HN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN