Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

“Đánh thức” tiềm năng du lịch Thái Nguyên

Thứ Năm, 13/04/2023 21:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch của tỉnh, tập trung hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Nhiều tiềm năng

Tại hội nghị xúc tiến du lịch Thái Nguyên diễn ra vào chiều ngày 13/4 tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, Thái Nguyên là cửa ngõ liên thông giữa vùng trung du, miền núi phía Bắc với vùng đồng bằng Bắc bộ. Tỉnh Thái Nguyên có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội; cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 45km; diện tích tự nhiên 3.562 km², dân số trên 1,3 triệu người; hệ thống hạ tầng đồng bộ; là một trong những trung tâm đào tạo lớn của cả nước, với 10 trường đại học; 12 trường cao đẳng, 08 trường trung cấp chuyên nghiệp; 30 trung tâm dạy nghề đóng trên địa bàn tỉnh.

Thái Nguyên là vùng đất trù phú có tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú với trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê. Trong đó có 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 52 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 221 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những “địa chỉ đỏ” như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái…

Các đại biểu tham dự hội nghị xúc tiến du lịch Thái Nguyên.  

Ông Nguyễn Ngọc Tuân cho rằng, Thái Nguyên hấp dẫn du khách không chỉ bởi du lịch về nguồn tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ mà còn bởi sự phát triển mạnh của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, bởi đây là vùng đất non xanh nước biếc với nhiều danh thắng nổi tiếng như Hồ Núi Cốc, Hang Phượng Hoàng- suối Mỏ Gà, Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Điểm du lịch sinh thái Dũng Tân, Điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương, Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà... Sườn Đông dãy Tam Đảo trùng điệp thuộc tỉnh Thái Nguyên có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, nhiều dòng suối, thác nước, bãi đá được thiên nhiên kiến tạo làm nên nét độc đáo, riêng có nơi đây.

Vùng đất “Đệ nhất danh trà” còn nổi tiếng với những đồi chè xanh ngút ngàn trên những vùng chè đặc sản như: Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc, Trại Cài... Sự phát triển của cây chè và sản phẩm trà từ lâu đã gắn với đời sống của người dân Thái Nguyên, nghệ thuật thưởng trà đã trở thành nét văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách. Thái Nguyên là nơi sinh sống đan xen của 51/54 dân tộc anh em, trong đó đông nhất là 08 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa. “Đến với Thái Nguyên, du khách sẽ được tìm hiểu, trải nghiệm các lễ hội, văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công, trang phục... Mỗi dân tộc còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, tạo nên bản sắc độc đáo thu hút khách du lịch” – ông Nguyễn Ngọc Tuân chia sẻ.

Định vị lan tỏa du lịch Thái Nguyên

Ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội du lịch 6 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng phát triển 04 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.

Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch của tỉnh, tập trung hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến du lịch; tạo điều kiện thuận tiện nhất cho du khách tiếp cận điểm đến, sử dụng và trải nghiệm dịch vụ...

Thái Nguyên đang tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển 5 điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, du lịch về nguồn theo Đề án Phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ việc lập dự án, đầu tư hạ tầng, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, tập huấn, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch, hỗ trợ tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch.

Năm 2022 số lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của Thái Nguyên đạt 2.160.200 lượt, doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch đạt 1.800 tỷ đồng. Tính riêng quý I năm 2023 số lượt khách du lịch đạt trên 1 triệu lượt khách.

Nhằm định hướng phát triển du lịch Thái Nguyên trong thời gian tới, các đại biểu tham dự hội nghị đã chia sẻ, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, đặc biệt là việc kết nối, xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng sản phẩm, tạo thương hiệu cho du lịch của tỉnh Thái Nguyên.

Ông Vũ Văn Tuyên, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Travelogi Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho rằng, du lịch hệ sinh thái và cộng đồng ở Thái Nguyên rất nổi tiếng và nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, tỉnh chưa chú trọng vào định hướng, phát triển về định vị thương hiệu du lịch, đặc biệt là cộng đồng du lịch tại Thái Nguyên. Vì vậy, theo ông Tuyên, tỉnh cần kết nối các cộng đồng doanh nghiệp để tạo ra giá trị gia tăng.

Ông Vũ Văn Tuyên cũng hy vọng, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đầu tư nhiều hơn để tạo ra những chương trình du lịch, xúc tiến quảng bá cũng như định vị thương hiệu, từ đó, có thể thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Thái Nguyên.

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng, Thái Nguyên cần có sản phẩm du lịch hoàn thiện, góc nhìn truyền thông để thu hút khách đến với Thái Nguyên.

“Hội Du lịch cộng đồng sẽ đồng hành với du lịch Thái Nguyên, hoàn thiện sản phẩm du lịch chủ đạo, để du lịch thái nguyên có thể đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế” – ông Phạm Hải Quỳnh khẳng định.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc nhận định: Thái Nguyên có tiềm năng nhưng phát triển chưa tương xứng. Để thu hút du khách trong thời gian tới, du lịch Thái Nguyên cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, kể cả chất lượng khách sạn, chất lượng hướng dẫn viên, chất lượng doanh nghiệp du lịch để cho du khách có những trải nghiệm tốt nhất, có thể quay lại Thái Nguyên.

Cùng với đó, ngành du lịch tỉnh sẽ phát huy hiệu quả những liên kết giữa các tỉnh, địa phương, các hãng hàng không, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đảm bảo an toàn, an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo môi trường...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, du lịch Thái Nguyên cũng cần tăng cường chuyển đổi số. Hiện các sản phẩm chuyển đổi số của du lịch Thái Nguyên có nhiều nhưng cần phải tối ưu hóa, liên thông với các hệ thống để phát huy hiệu quả.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội du lịch 6 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn. Thông qua lễ ký kết nhằm tăng cường mối quan hệ giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa các tỉnh, là cầu nối giúp các doanh nghiệp du lịch, lữ hành mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.

 

Huy Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN