Đánh sập đường dây 'tín dụng đen' cho vay gần 4.000 tỷ đồng
(ĐCSVN) - Đánh sập đường dây 'tín dụng đen' cho vay gần 4.000 tỷ đồng; Điều tra vụ nữ giáo viên mầm non bạo hành nhét thức ăn vào miệng bé trai ở TPHCM; Nắng nóng cực đoan, hàng nghìn trường công lập tại Philippines trở lại học trực tuyến là một số tin đáng chú ý hôm nay (24/4).
Cơ quan điều tra tống đạt các quyết định tố tụng đối với các đối tượng (Ảnh: congan.com.vn) |
Đánh sập đường dây "tín dụng đen" cho vay gần 4.000 tỷ đồng
Ngày 24/4, thông tin từ Công an TPHCM cho biết, vừa triệt phá đường dây cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy mô rất lớn, thủ đoạt hoạt động tin vi nhằm né tội, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn.
Theo kết quả điều tra ban đầu, qua công tác nghiệp vụ và tin báo tố giác tội phạm, Công an Quận 4 phát hiện vụ việc “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” hoạt động có tổ chức, quy mô rất lớn “núp bóng” dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính. Ban Giám đốc CATP đã chỉ đạo Công an Quận 4 xác lập chuyên án để tập trung lực lượng, biện pháp xác minh, điều tra, xác định toàn bộ đối tượng, thủ đoạn hoạt động.
Kiên trì đeo bám, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 4 xác định hoạt động “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” xảy ra tại Công ty TM24H và Công ty ATM Online thông qua trang web cho vay tiêu dùng trực tuyến trái pháp luật. Cả 2 công ty trên đều hoạt động dưới sự điều hành của Đỗ Minh Hải (SN 1985; hộ khẩu thường trú: Phường 22, quận Bình Thạnh); cùng hoạt động tại địa chỉ 261 - 263 Phan Xích Long, Phường 2, quận Phú Nhuận.
Để quản lý và điều hành, Đỗ Minh Hải thuê Trần Đình Triển (SN 1974; hộ khẩu thường trú: Phường 1, quận Phú Nhuận) - Giám đốc, đại diện pháp luật Công ty TM 24H, Verevkin Vladimir (quốc tịch Nga, sinh năm 1990; nơi ở hiện nay: phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức) - Giám đốc vùng tại Việt Nam; Nguyễn Thị Thuý Diễm (SN 1982; hộ khẩu thường trú: thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) - Giám đốc khối vận hành; Đỗ Thị Minh Hiếu (SN 1993; hộ khẩu thường trú: huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) - Trưởng nhóm tư vấn, thẩm định vay.
Hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự do Đỗ Minh Hải cầm đầu và đồng bọn thực hiện có quy mô lớn, hoạt động có tổ chức chặt chẽ, phân chia nhiệm vụ cụ thể cho từng giám đốc, trưởng phòng, trưởng bộ phận, trưởng nhóm và nhân viên theo từng công đoạn từ tuyển dụng, đào tạo nhân sự, thu chi tài chính, makerting, chăm sóc khách hàng, nhắc nợ trước hạn, thu nợ quá hạn.
Để thực hiện và che giấu tội phạm, các đối tượng hoạt động “núp bóng” doanh nghiệp tư vấn tài chính, dịch vụ cầm đồ; sử dụng công nghệ cao để thực hiện hoạt động cho vay trực tuyến, lưu trữ hồ sơ khách hàng trên mạng internet; không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh; lập các hợp đồng cho vay cầm cố, hợp đồng tư vấn, hợp đồng cầm cố tài sản (với nội dung thuê lại tài sản cầm cố) không có thật nhằm chia nhỏ lãi suất thành lãi suất cơ bản nhỏ hơn 20%/năm, phí dịch vụ tư vấn, phí dịch vụ, phí nền tảng, phí cầm cố tài sản hơn 80%/năm, qua đó "đánh tráo khái niệm", trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan pháp luật trong thời gian dài.
Thống kê bước đầu, tổng số tiền giải ngân của đường dây này là 3.958.150.272.299 đồng (gần 4.000 tỷ đồng), tổng số tiền thu về là 4.627.698.174.867 đồng (hơn 4.600 tỷ đồng) trên tổng 738.933 lượt vay. Đây là nhóm tội phạm có tổ chức do người nước ngoài cấu kết với các đối tượng người Việt Nam, hoạt động xuyên quốc gia thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn.
Ngày 26/03/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 4 đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Đỗ Minh Hải, Trần Đình Triển, Verevkin Vladimir, Nguyễn Thị Thuý Diễm và Đỗ Thị Minh Hiếu.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 4 đang củng cố chứng cứ, mở rộng điều tra, xác định, làm rõ vai trò của tất cả đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Nữ giáo viên ngồi lên bụng và dùng tay nhét thức ăn vào bé trai. (Ảnh cắt từ clip.) |
Điều tra vụ nữ giáo viên mầm non bạo hành nhét thức ăn vào miệng bé trai ở TPHCM
Ngày 24/4, Công an phường Linh Đông đang phối hợp với Công an TP Thủ Đức (TPHCM) điều tra, làm rõ vụ bé trai nghi bị nữ giáo viên bạo hành tại lớp mẫu giáo xảy ra trên địa bàn.
Trước đó, tối 23/4, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo ngồi lên bụng bé trai đang khóc và có hành động dùng tay nhét thức ăn vào miệng của bé.
Trong clip, nữ giáo viên nói với bé trai há miệng ra và nhắc “Có ăn đàng hoàng không”. Sự việc diễn ra trong bối cảnh có nhiều bé khác có mặt trong lớp và được một người dùng điện thoại ghi lại.
Qua xác minh, vụ việc xảy ra tại lớp mẫu giáo Tí Bo nằm trên đường Linh Đông, phường Linh Đông, TP Thủ Đức và cô giáo xuất hiện trong đoạn clip được xác định tên là L.T.B.N..
Trong sáng 24/4, Công an phường Linh Đông và các đơn vị liên quan đã đến lớp mẫu giáo trên để lấy lời khai những người liên quan và trích xuất dữ liệu camera.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Thủ Đức cho biết, đơn vị đã phối hợp cùng chính quyền địa phương làm việc với nhóm lớp này để xác minh thông tin. Trong sáng nay (24/4), Phòng GD&ĐT đã đề nghị đình chỉ hoạt động nhóm lớp Tí Bo.
Ông Nguyên thông tin thêm, đơn vị cũng đề nghị cơ quan công an xử lý nghiêm người trực tiếp bạo hành trẻ. Trong thời gian nhóm lớp bị đình chỉ, đơn vị đã yêu cầu các lớp mầm non, trường mầm non lân cận tiếp nhận những trẻ đang học tại đây, dựa theo nhu cầu của phụ huynh.
"Quan điểm của chúng tôi là không thể chấp nhận hành vi mang tính chất bạo hành trẻ", ông Nguyên nhấn mạnh.
Vụ việc đang được công an điều tra, xử lý.
Hàng nghìn trường học ở Philippines đã phải đóng cửa do lo ngại thời tiết nắng nóng có thể gây hại đến sức khoẻ học sinh. (Ảnh: AFP/Laodong) |
Nắng nóng cực đoan, hàng nghìn trường công lập tại Philippines trở lại học trực tuyến
Tình trạng nắng nóng cực đoan xảy ra tại Philippines trong tháng này đã buộc các trường học phải cho học sinh học trực tuyến. Quyết định này gợi nhớ đến thời gian phong tỏa vì COVID-19 và dấy lên lo ngại rằng thời tiết khắc nghiệt hơn nữa trong những năm tới có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng về giáo dục.
Tuần trước, học sinh tại 7.000 trường công lập tại Philippines đã phải học trực tuyến do thời tiết nắng nóng bất thường xảy ra tại nhiều khu vực mà các nhà dự báo cho rằng đây là ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Philippines là một trong những nước có thời gian đóng cửa trường học dài nhất thế giới trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát. Vấn đề y tế đã phơi bày tình trạng bất bình đẳng về giáo dục khi trẻ em trong các gia đình thu nhập thấp không có máy tính hoặc không được truy cập Internet đầy đủ. Với việc hầu hết các trường công lập tại đất nước gồm 115 triệu dân này chưa được trang bị đầy đủ để ứng phó với nắng nóng gay gắt kéo dài cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan khác, giáo viên và các tổ chức công đoàn cho rằng việc áp dụng học trực tuyến là lựa chọn an toàn nhất trong bối cảnh Philippines đang hứng chịu các đợt nắng nóng khắc nghiệt.
Kết quả cuộc khảo sát đối với hơn 8.000 giáo viên tại các trường công lập ở khu vực thủ đô Manila tháng trước cho thấy 87% số học sinh phải chịu đựng các điều kiện học tập khó khăn liên quan đến nắng nóng. Hơn 75% số giáo viên đánh giá nắng nóng ở ngưỡng “không thể chịu nổi”. Gần 50% số giáo viên cho biết lớp học chỉ có 1 hoặc 2 quạt điện, chưa đủ thiết bị thông gió khi nhiệt độ tăng
Kể từ khi hiện tượng El Nino bắt đầu xảy ra, cơ quan thời tiết Philippines đã dự báo nhiệt độ có thể tăng lên 44 độ C – được đánh giá là mức nguy hiểm. Các giáo viên nước này cho rằng cần có nhiều biện pháp hơn để đối phó với tình trạng nắng nóng cực đoan ở trường học - từ giải quyết tình trạng thiếu lớp học và giáo viên, dẫn đến quá tải, đến việc cung cấp nước uống miễn phí và bổ sung y tá hoặc bác sĩ tại trường phòng ngừa các tình huống cấp cứu. Một số giáo viên cho rằng tình hình hiện tại cho thấy sự cần thiết phải tăng cường giáo dục về biến đổi khí hậu.
Theo giới chuyên gia, khi biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt nắng nóng thì các vấn đề mà giáo viên và học sinh tại Philippines gặp phải dường như sẽ xảy ra ở những nơi khác. Tuần trước, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo rằng khoảng 243 triệu trẻ em ở châu Á và khu vực Thái Bình Dương có nguy cơ phải hứng chịu những đợt nắng nóng kéo dài và nóng hơn trong những tháng tới. Trẻ em là nhóm dễ bị say nắng hay sốc nhiệt và UNICEF cho biết việc tiếp xúc quá lâu với nhiệt độ cao cũng ảnh hưởng đến khả năng tập trung và học tập của các em./.