Đánh giá kết quả triển khai thí điểm công nhận tỉnh/thành phố học tập
(ĐCSVN)- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, để triển khai tốt việc công nhận quận/thành phố học tập, tỉnh/thành phố học tập thì xã hội cần có nhận thức đầy đủ về đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.
Ngày 18/4, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả một năm triển khai thí điểm công nhận quận/thành phố học tập, tỉnh/thành phố học tập.
Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ; lãnh đạo một số Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT, đại diện một số Bộ, ngành, đơn vị liên quan; đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT, Phòng GDĐT tại 7 tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nghệ An, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp.
Thông qua đó, tại hội nghị các đơn vị liên quan cùng địa phương sẽ trao đổi, tham gia đóng góp ý kiến để thống nhất bộ tiêu chí, đánh giá công nhận quận/thành phố học tập, tỉnh/thành phố học tập được ban hành trong thời gian tới.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TT |
Báo cáo tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên Nguyễn Xuân Thủy cho biết: Ngày 30/7/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1373/QĐ-TTg ban hành Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, trong đó giao Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Bộ tiêu chí công nhận quận/huyện/thị xã/thành phố học tập, tỉnh/thành phố học tập.
Triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ GD&ĐT đã xây dựng Bộ tiêu chí công nhận huyện/thành phố học tập, tỉnh/thành phố học tập và có văn bản hướng dẫn triển khai thí điểm công nhận huyện/thành phố học tập, tỉnh/thành phố học tập tại 7 tỉnh.
Công tác triển khai thí điểm công nhận quận/huyện học tập, tỉnh/thành phố học tập nhận được sự quan tâm chỉ đạo, vào cuộc tích cực của UBND các tỉnh, thành phố, UBND các huyện, các Sở, ban, ngành, đoàn thể. Công tác thí điểm được thực hiện thông suốt từ tỉnh đến huyện.
Để kế hoạch triển khai thí điểm tại các địa phương hiệu quả, UBND các tỉnh, thành phố, thị xã đã tăng cường tuyên truyền về kế hoạch thực hiện Đề án, lồng ghép với nội dung tuyên truyền thực hiện chương trình thí điểm bằng các hình thức phù hợp với thực tiễn địa phương. Ngoài ra, các Sở GD&ĐT cũng đã phối hợp với Hội Khuyến học cấp tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn; thành lập đoàn kiểm tra giám sát việc thí điểm xây dựng quận/huyện/thành phố học tập.
Công tác thí điểm bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó nhiều địa phương đã phấn đấu hoàn thành một số chỉ báo ở mức cao. Qua tổng hợp số liệu báo cáo của các tỉnh, 7/7 tỉnh, thành phố đều không đạt tiêu chí tỉnh học tập do chưa đảm bảo điều kiện tiên quyết ở các chỉ báo. Có 04/41 huyện đạt các tiêu chí công nhận huyện/thành phố học tập Mức độ 1.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai việc thực hiện thí điểm còn gặp những khó khăn nhất định như ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19; một số chỉ báo còn cao, khó thực hiện; sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn, hội chưa chủ động, phối hợp chưa cao; thực hiện kiểm tra, đôn đốc công việc chưa thường xuyên; cơ sở vật chất, kinh phí cấp cho tổ chức các hoạt động chưa phù hợp, gặp nhiều bất cập…
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thống nhất ý kiến về các nội dung quy định của bộ tiêu chí trong Dự thảo Thông tư đánh giá công nhận cộng đồng học tập cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu. Ảnh: TT |
Sau khi lắng nghe các ý kiến từ những đơn vị tham gia trực tiếp vào triển khai chương trình thí điểm thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhận định việc thực hiện công nhận quận/thành phố học tập, tỉnh/thành phố học tập bước đầu có những kết quả cụ thể. Những kết quả đạt được giúp rà soát, xem lại các tiêu chuẩn, tiêu chí phải được xây dựng như thế nào để đảm bảo tính phù hợp, khả thi.
Thứ trưởng cho rằng, để triển khai tốt việc công nhận quận/thành phố học tập, tỉnh/thành phố học tập thì xã hội cần có nhận thức đầy đủ về đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”. Theo đó ý nghĩa và tầm quan trọng các tiêu chí phải được xã hội quan tâm, công tác tuyên truyền phải làm tốt để mọi người hiểu rằng, muốn có xã hội học tập cần bắt đầu từ công dân, con người học tập.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, các tiêu chí, nguyên tắc đặt ra phải tinh gọn, khả thi, dễ đánh giá và phù hợp với địa phương. Những tiêu chí nào là tiêu chí “cứng”, do Nghị quyết và các chủ trương của Chính phủ đặt ra, phải cố gắng đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn. Những tiêu chí có thể linh hoạt, cân nhắc tính phù hợp và có tính khả thi.
Đồng thời, phải xây dựng tài liệu tập huấn, xây dựng phương pháp đánh giá, minh chứng, tìm hiểu rõ ràng, cụ thể. Về vấn đề kinh phí, Bộ GD&ĐT và các địa phương cần tích cực tham mưu với Bộ Tài chính, Sở Tài chính để có nhận thức, thông tin đầy đủ về Đề án và đồng hành cùng ngành giáo dục./.