Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đan Phượng - điểm đến hấp dẫn với nhiều dấu ấn

Thứ Hai, 22/07/2024 20:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội trên 20km về phía Tây, huyện Đan Phượng là nơi khởi nguồn của phong trào “Ba đảm đang” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, Đan Phượng đã có nhiều đổi thay, khai thác tiềm năng và thế mạnh, ứng dụng công nghệ để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm.

 Đường nông thôn mới ở Đan Phượng.

Vùng đất đậm dấu ấn về lịch sử, văn hóa

Đến Đan Phượng, du khách hết sức ấn tượng về cảnh quan thiên nhiên vùng quê được công nhận là nông thôn mới đầu tiên của Hà Nội, với hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, cùng với màu xanh trải dài bởi những vườn cây ăn trái, cánh đồng ngô, nương dâu xanh mướt. Đan Phượng là nơi hội tụ đầy đủ những đặc trưng của văn hóa xứ Đoài, đây còn là vùng đất cổ nghìn năm văn hiến, nơi có thành cổ Ô Diên, một thời kinh đô của nước Vạn Xuân.  

Đan Phượng được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa với 155 di tích, trong đó có 38 di tích cấp quốc gia, 33 di tích cấp thành phố. Trong đó, một số di tích có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu như: Cụm di tích đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác ở Hạ Mỗ; di tích có kiến trúc nghệ thuật như đình Đại Phùng, đình Đông Khê, quán Đoài Khê ở Đan Phượng… cùng những lễ hội đặc sắc. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo, như: Chèo tàu, ca trù, thả diều...

Trong thế kỷ 20, Đan Phượng là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô, một điểm sáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi khởi xướng phong trào “Ba đảm đang” với các nội dung đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ “Đảm đang sản xuất, công tác, thay thế nam giới đi chiến đấu; Đảm đang gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; Đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết”, phong trào đã nhanh chóng phát triển thành cao trào cách mạng sôi nổi, rộng lớn, huy động sức mạnh tổng hợp của hàng triệu phụ nữ từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, khẳng định vai trò hết sức quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ XX. 

 Tượng đài “Đan Phượng quê hương người con gái đảm” ở Đan Phượng.

Dấu ấn về nơi khởi nguồn của phong trào “Ba đảm đang” là tượng đài “Đan Phượng quê hương người con gái đảm”, nằm ở ngã ba thị trấn Phùng, trung tâm huyện Đan Phượng sát ngay tuyến quốc lộ 32 từ Hà Nội đi Sơn Tây. Tượng đài khắc họa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam chắc tay cày, tay súng, trên vai địu con, đứng giữa khung cảnh đồng lúa chín, xung quanh là phù điêu đắp nổi hình ảnh máy bay Mỹ bốc cháy. Bức tượng là hiện thân người Phụ nữ Việt Nam tại hậu phương “bất khuất, trung hậu, đảm đang”, truyền tải linh hồn người phụ nữ Việt Nam, thể hiện lòng yêu nước, có giá trị tinh thần lớn để giáo dục cho lớp trẻ về truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh vì hòa bình. Đây là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thể hiện lòng yêu nước và khát vọng hòa hình của phụ nữ Đan Phượng nói riêng và phụ nữ cả nước nói chung trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Khai thác tiềm năng, phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: Đan Phượng nằm ở vành đai du lịch sông Hồng, sông Đáy, một phần đầu nguồn sông Nhuệ nên rất phù hợp với phát triển du lịch ven sông. Cùng với việc phát huy các giá trị di sản, văn hóa, điểm sáng của phong trào "Ba đảm đang", khai thác thế mạnh của huyện nông thôn mới đầu tiên của Thủ đô; Đan Phượng đã và đang chuyển mình, khai thác tiềm năng thế mạnh, trở thành điểm đến thu hút khách du lịch đến khám phá, trải nghiệm.

 Dâu tằm - một sản phẩm nông nghiệp mới, những năm gần đây được người dân tập trung thâm canh ở Đan Phượng.

Tận dụng đất bãi ven sông Hồng, sông Đáy phù sa, đất đai màu mỡ, bà con nông dân Đan Phượng đã mạnh dạn chuyển đổi, phát triển nông nghiệp xanh gắn với phát triển du lịch sinh thái, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần định hình “vành đai xanh” gồm vùng trồng rau an toàn, vùng trồng hoa, cây cảnh. Ngoài các loại rau màu, ngô, dâu, Đan Phượng còn có các vườn cây ăn trái đan xen nhau như chuối, cam. Đan Phượng còn có đặc sản bưởi tôm vàng với diện tích gần 500 ha, mô hình trồng nho Hạ Đen kết hợp du lịch sinh thái nhiều hộ gia đình tại xã Đan Phượng, Hạ Mỗ, Trung Châu, Phương Đình…Với tiềm năng và lợi thế, mạnh dạn nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái, hằng năm, Đan Phượng đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách trong đó có rất đông các bạn trẻ đến tham quan, trải nghiệm.

Bên cạnh việc phát triển du lịch từ tiềm lực nội tại, tiềm năng du lịch sinh thái tại Đan Phượng còn thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Điển hình như Khu du lịch sinh thái Đan Phượng - The Phoenix Garden thu hút khá đông đảo du khách trong và ngoài nước ghé thăm, chụp ảnh, nghỉ dưỡng. Với thiết kế mang phong cách châu Âu hiện đại kết hợp với nét độc đáo, đặc trưng của vườn hoa Đà Lạt, nơi đây được xem Đà Lạt thu nhỏ giữa lòng Hà Nội.

Dù có nhiều tác động bởi đô thị hóa, nhưng Đan Phượng vẫn đảm bảo kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, Đan Phượng là một trong 6 mô hình thí điểm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh, du lịch làng nghề theo hướng xanh, có trách nhiệm và phát triển bền vững.

 Một góc khu du lịch sinh thái Đan Phượng.

Trong định hướng phát triển, để thu hút du khách, Đan Phượng phối hợp cùng Sở Du lịch Hà Nội nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, xây dựng thương hiệu điểm đến chất lượng, hấp dẫn, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đất trù phú này. Trên cơ sở một số mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch đem lại hiệu quả kinh tế, Đan Phượng sẽ đẩy mạnh mô hình du lịch văn hóa kết hợp với sản phẩm các làng nghề truyền thống như kẹo lạc xã Song Phượng; sản xuất rượu, đậu tại các xã Hồng Hà, Hạ Mỗ… Ngoài ra, Đan Phượng cũng chú trọng, tăng cường các tuyến du lịch kết nối các điểm du lịch, triển khai xây dựng và duy trì một số tuyến phố, không gian văn hóa - du lịch - thương mại dịch vụ - ẩm thực để du khách có nhiều trải nghiệm và lưu trú lâu hơn. Đồng thời, đó là việc phát triển các dịch vụ trực tuyến du lịch như đặt phòng/khách sạn, tour trực tuyến…/.

Bài, ảnh: N Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN