Dân “nín thở' đi cầu xiêu vẹo qua sông
(ĐCSVN) – Gần 20 năm nay, cây cầu xiêu vẹo, rung lắc qua sông Nhuệ vẫn là lối đi lại hàng ngày của hàng trăm hộ dân xóm Bờ Sông, xã Hoàng Tây (Kim Bảng, Hà Nam).
Nếu không có cầu phao này, hàng ngày người dân và học sinh xóm Bờ Sông muốn học tập, làm việc phải đi bằng thuyền thúng qua sông, hoặc phải đi vòng gần 9 km mới đến được trường học, trung tâm y tế, UBND xã...
Cầu phao nối xóm Bờ Sông đến trung tâm xã Hoàng Tây.
Hàng ngày, cây cầu “cõng” hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại.
Các em học sinh hàng ngày vẫn qua lại trên cây cầu đầy nguy hiểm rình rập. Cầu phao dài khoảng 50 m không lan can, khi gặp trời mưa trơn trượt đã xảy ra không ít trường hợp ngã xuống sông.
Thanh ray cầu “cõng” trọng tải người và phương tiện qua lại.
Các khớp nối cầu sộc xệnh, dây neo tạm bợ, độ dốc cao cùng lòng sông sâu tiềm ẩn nguy hiểm.
Bác Tính, 81 tuổi sinh sống lâu năm tại đây cho biết: “Ngoài việc phải đi lại hàng ngày, do đường vòng qua cầu chính quá xa, mất rất nhiều thời gian và công sức, nên mùa gặt ở đây người dân đều phải bất chấp nguy hiểm để vận chuyển lúa, vụ cấy chuyển phân bón, mạ... Bác cũng cho biết thêm, từ việc đi lại khó khăn do sông Nhuệ ngăn cách, nhiều học sinh cấp tiểu học tại xã đã phải chuyển trường sang xã Hoàng Đông để học, hiện chỉ còn xã Hoàng Tây là chưa có cầu.
Nhiều hộ dân ở đây phải cắt cử người thường xuyên túc trực đưa đón con em đi học, khiến cuộc sống dựa vào nông nghiệp của người dân
thêm phần vất vả.
Mỗi lần có người dắt xe qua, toàn bộ thân cầu rung lắc nguy hiểm.
Trao đổi với một số người dân cho biết: Tại đây đã có nhiều trường hợp bị ngã xuống sông và đã xảy ra những tai nạn thương tâm, mối nguy hiểm luôn rình rập việc đi lại nhất là đối với các cháu học sinh, ngày đi học bình quân phải 4 lượt đi về. Mỗi khi gặp mưa bão, hoặc cống thủy lợi Nhật Tựu cách đó 3 km xả, nước dâng cao phải cắt cầu, việc đi lại trở lên rất khó khăn muốn đi phải vòng lên xã Nhật Tựu cách đó gần 6 km, rồi vòng lại, hoặc đi lên cầu Ba Đa cách khoảng 9 km vòng xuống mới đến được trường học, các khu làm ruộng hay nơi làm việc.
Lối đi "độc đạo" của các phương tiện giao thông thủy.
Được biết, hàng năm người dân trong xã vẫn đóng góp 7 tấn lúa để lấy kinh phí tu sửa và trả phí qua cầu. Do cầu đã lâu năm, ngân sách xã hạn hẹp nên liên tục phải sửa chữa, và cứ như vậy nó càng ngày càng xuống cấp.