Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đam mê để theo đuổi đến cùng lý tưởng của mình

Thứ Sáu, 21/01/2022 21:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đó là chia sẻ của Giáo sư Omar M.Yaghi - người đoạt giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực mới với công trình nghiên cứu về vật liệu khung cơ kim tại buổi giao lưu cùng chủ nhân Giải thưởng khoa học, công nghệ thường niên toàn cầu (VinFuture) lần thứ nhất diễn ra sáng 21/1, tại Hà Nội.

Buổi giao lưu cùng chủ nhân Giải thưởng khoa học, công nghệ thường niên toàn cầu (VinFuture) lần thứ nhất là hoạt động cuối cùng trong chuỗi sự kiện thuộc Tuần lễ Khoa học VinFuture lần thứ nhất.

Tại buổi giao lưu, Giáo sư Omar M. Yaghi, người đoạt Giải đặc biệt đầu tiên đã chia sẻ về công trình "Khám phá và phát triển vật liệu khung hữu cơ – kim loại MOFs". Công trình nghiên cứu của ông trả lời cho câu hỏi về nước và những tiến bộ về khoa học vật liệu.

Trong phần 2, Giáo sư Zhenan Bao đã kể về công trình nghiên cứu chất bán dẫn hữu cơ, ống nano carbon, da điện tử và pin mặt trời carbon. Đáng chú ý hơn cả là công trình da điện tử, một phát minh giúp người khuyết tật có cảm giác như người bình thường khi chạm vào mọi vật thể.

Vợ chồng giáo sư Karim nói về câu chuyện đằng sau công trình nghiên cứu phòng ngừa và điều trị HIV. Một trong những công trình đáng chú ý nhất của họ là gel tenofovir CAPRISA 004. Loại gel này mang tính bước ngoặt, có thể ngăn được sự lây nhiễm HIV, thay thế được bao cao su.

Cuối cùng, Tiến sĩ Kariko, Weissman và Pieter R. Cullis, những chủ nhân của Giải thưởng chính của VinFuture trị giá 3 triệu USD nói về công trình nghiên cứu vaccine mARN, dẫn tới sự ra đời của vaccine ngừa Covid-19 Pfizer-BioNTech.

Giáo sư Omar M.Yaghi chia sẻ tại buổi giao lưu sáng 21/1. Ảnh: Giang Huy 

Giáo sư Omar M. Yaghi: Đam mê để theo đuổi đến cùng lý tưởng của mình

Nhà khoa học đầu tiên bắt đầu phần giao lưu là Giáo sư Omar M.Yaghi, Chủ tịch James and Neeltje Tretter tại Đại học California, Berkeley và là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.

Nhà khoa học người Mỹ gốc Jordan giành giải Đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực mới với công trình nghiên cứu về vật liệu khung cơ kim (Metal-Organic Frameworks hay MOFs). Đây là nhóm vật liệu mới được làm từ kim loại và các hợp chất hữu cơ, mang lại bước tiến mới trong cuộc cách mạng trong hóa học khi có nhiều ứng dụng tiềm năng trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi khí phát thải carbon, lọc nước, lọc không khí, xúc tác và cảm biến.

Tại buổi chia sẻ, Giáo sư Omar M. Yaghi tỏ ra tự hào khi được nhìn lại những hình ảnh thuở nhỏ của mình. "Hồi đó nhà tôi nghèo lắm, nên không có tiền mua đồ chơi. Tôi là người độc lập, từ nhỏ tôi đã tự chịu trách nhiệm cho việc học của mình và không để cha mẹ bận tâm. Cuộc sống khó khăn, gia đình 10 người của tôi phải sống chung cả với bò", ông chia sẻ về tuổi thơ.

Giáo sư cho rằng 80% người trẻ ở các quốc gia đang phát triển cũng gặp khó khăn giống ông. Tuy nhiên, ông cho rằng, tình yêu và sự khích lệ của gia đình là điểm mấu chốt giúp ông tự tin và tiến về phía trước.

"Giải thưởng này là sự vinh danh cho những người như tôi - một nhà khoa học. Rộng hơn, giải thưởng cũng sẽ tạo tiền đề cho cộng đồng khoa học nói chung, mở ra giấc mơ của nhiều người. Tôi chỉ muốn nói là chúng ta hãy trung thực và đam mê để theo đuổi đến cùng lý tưởng của mình", Giáo sư Omar M.Yaghi nói.

Khoa học có thể làm gì để giúp người khuyết tập làm chủ cuộc đời?

Phần tiếp theo của chương trình bắt đầu với câu chuyện của bé Nguyễn Như Linh (SN 2010, ở Thượng Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội) bị cụt đến khuỷu tay, một chân bị khoèo, thiếu ngón. Linh thông minh và nhanh nhẹn. Viết chữ, chép bài bằng chân, nhưng nét chữ của em rất tròn trịa, ngay ngắn, đẹp không kém bất cứ học sinh bình thường nào.

Từ câu chuyện của Linh, chương trình đặt ra câu hỏi "Khoa học có thể làm gì để giúp người khuyết tập làm chủ cuộc đời". Để trả lời câu hỏi này, chương trình giới thiệu Giáo sư Zhenan Bao đến từ đại học Standford.

Nhà khoa học người Mỹ gốc Trung Quốc đã cùng các cộng sự phát triển da điện tử tự lành, siêu co giãn và có thể cảm nhận như da thật. Da điện tử được phát triển từ các lớp nhựa bán dẫn công nghệ cao, có thể co giãn, bắt chước khả năng uốn cong và chữa lành như da thật, đồng thời có cảm biến nhiệt độ, có cảm giác đau, cũng có khả năng phân huỷ sinh học và thân thiện với môi trường. Phát minh mở ra cơ hội cho hàng triệu người được phục hồi chức năng hiệu quả.

Giáo sư Zhenan Bao cho biết: "Tôi nghĩ nếu có thể tạo ra một điện thoại có màn hình gập thì sao không thể tạo ra những thứ có thể giúp người khuyết tật. Chúng tôi nghiên cứu phân tử để tạo ra một làn da nhân tạo, cũng giống như chúng ta tạo ra cảm biến của cơ thể để nắm bắt cảm giác của việc chạm vào đồ vật. Đó là điểm khởi đầu và đến nay chúng tôi đã tạo ra những thế hệ mới của da nhân tạo có thể kéo dãn mở rộng".

Chia sẻ về cảm hứng tạo nên công trình của mình, Giáo sư cho biết bà từng có cơ hội hợp tác với rất nhiều đồng nghiệp trong lĩnh vực y học, công nghệ, cơ khí... Điều đó khích lệ bà nghiên cứu về những lĩnh vực mới, áp dụng với kiến thức về công nghệ phân tử sẵn có để tạo ra công trình mang tính tầm cỡ.

Tại buổi giao lưu với chủ nhân các giải thưởng VinFuture, Tiến sĩ Lê Mai Lan - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học đã tham dự Lễ trao giải thưởng. Bà tin rằng, khoa học sẽ giúp thế giới làm được những điều không tưởng, lớn lao và trở nên tươi đẹp hơn.

Theo Tiến sĩ Lê Mai Lan, sự chung tay của nhà khoa học ở nhiều quốc gia, không chỉ nước phát triển mà những nước như Việt Nam cũng tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ. "Nhân tài mà VinFuture phát triển chính là chìa khóa để tạo dựng tương lai cho tất cả mọi người", bà Mai Lan nhấn mạnh./.

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN