Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đảm bảo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, hiệu quả, đúng quy chế

Thứ Năm, 20/06/2024 16:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các đơn vị, địa phương xác định rõ tính chất tầm quan trọng của công việc, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, với tinh thần an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy chế, chu đáo và thân thiện.

Sáng 20/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với Ban Chỉ đạo thi 63 tỉnh, thành phố.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chủ trì tại điểm cầu Bộ GD&ĐT. 

Hơn 1 triệu thí sinh dự thi tại 2.323 điểm thi

Thay mặt Thường trực Ban Chỉ đạo cấp quốc gia thông tin một số nội dung triển khai tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023. Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Theo đó, các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26, 27, 28 và 29/6/2024; chấm thi từ ngày 29/6/2024; công bố kết quả thi vào 8h00 ngày 17/7/2024, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7/2024.

Hình ảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bộ GD&ĐT. Ảnh: TL

Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16/5/2024 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024. Cùng với đó là ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức Kỳ thi.

Về công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành việc rà soát ma trận của 15 môn thi. Xây dựng và hoàn thiện đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 công bố ngày 22/3/2024. Đồng thời rà soát, biên tập, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để phục vụ công tác ra đề thi.

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm xuất ngẫu nhiên các tổ hợp câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi để thực hiện soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; các mẫu biểu của mỗi khâu được rà soát hoàn thiện; thực hiện phân định rõ trách nhiệm của những người tham gia Hội đồng ra đề thi.

Để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT đã triển khai xây dựng các hệ thống, phần mềm và thống nhất sử dụng trên toàn quốc trong nhiều năm. Tháng 4/2024 Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Công an tổ chức kiểm tra đánh giá, rà soát an ninh, an toàn phần mềm này trước khi triển khai và đưa vào sử dụng đúng phạm vi quy định. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức tập huấn về sử dụng các phần mềm. 

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương thông tin về Kỳ thi. Ảnh: TL 

Số lượng thí sinh đăng ký theo hình thức trực tuyến và trực tiếp với tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.071.393, tăng hơn 45.000 thí sinh so với Kỳ thi năm 2023. Toàn quốc có 2.323 điểm thi và 45.149 phòng thi. Có 66.927 thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ, chiếm 6,25% tổng số thí sinh.

Để Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, bảo mật, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch về công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Theo đó, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra. Bộ GD&ĐT cũng đã phân công, triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra trực tiếp công tác chuẩn bị thi tại các địa phương.

Bên cạnh thuận lợi, vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục như một số địa phương điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn; một số địa phương để xảy ra tình trạng duyệt hồ sơ thí sinh chậm so với lịch công tác; diễn biến thời tiết khí hậu ở các vùng miền dự báo còn biến động nhất là các địa phương vào thời điểm mùa mưa hay có địa phương lại vào thời điểm nắng nóng mùa hè.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các thí sinh dự thi

Tại Hội nghị, các ý kiến từ lãnh đạo địa phương và các Sở GD&ĐT khẳng định: Đến thời điểm này, về cơ bản, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi đang được địa phương thực hiện nghiêm túc, Ban chỉ đạo thi của tỉnh đang tăng cường tiến hành kiểm tra tất cả các khâu, nhất là trong khâu bảo mật, an toàn đề thi. Cơ sở vật chất, nguồn lực, thiết bị chuyên môn, được chuẩn bị đúng quy định, theo quy chế, đảm bảo đầy đủ kịp thời. Ngành Giáo dục phối hợp với ngành Công an đảm bảo an ninh, an toàn cho Kỳ thi; đẩy mạnh tập huấn công tác nghiệp vụ, tăng cường đổi mới, tuyên truyền ý thức trách nhiệm, hướng dẫn Quy chế thi.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: Công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục tổ chức 63 đợt tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức Kỳ thi. Đồng thời, xây dựng chiến dịch truyền thông về công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho Kỳ thi để nâng cao nhận thức cho những người tham gia tổ chức Kỳ thi và thí sinh nắm vững quy định bảo vệ bí mật Nhà nước với đề thi; phòng ngừa, xử lý tình huống gian lận bằng thiết bị công nghệ cao."Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, cũng như Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện nguy cơ gian lận, vi phạm pháp luật liên quan đến kỳ thi. Trong đó đặc biệt chú trọng nắm tình hình, đấu tranh xử lý các đối tượng có hành vi rao bán thiết bị công nghệ cao sử dụng gian lận trong thi cử hoặc các đường dây tiêu cực gian lận thi cử".

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng  yêu cầu phải sâu sát, toàn diện, chỉ đạo từ cấp trung ương đến địa phương, từ nguồn lực, cơ sở vật chất, con người, thiết bị công tác phối hợp, phân công nhiệm vụ, thanh tra kiểm tra, lường trước các vấn đề. Ảnh: TL

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Kỳ thi THPT luôn là hoạt động quan trọng, phức tạp, nhạy cảm vì diễn ra trên quy mô toàn quốc, các vùng miền khác nhau, số lượng lớn học sinh dự thi, lực lượng tham gia tổ chức lớn. Đến thời điểm này công tác chuẩn bị của các địa phương cho Kỳ thi năm 2024 hết sức chu đáo, sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực.

Để việc tổ chức Kỳ thi đáp ứng các yêu cầu đề ra, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc, nghiêm túc và cụ thể hóa những nhiệm vụ mà Thủ tướng đã nêu trong Chỉ thị số 15 ngày 16/5/2024. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ chính, cốt lõi về công tác chỉ đạo, công tác phối hợp, công tác chuẩn bị, công tác tổ chức và công tác truyền thông.

Đối với công tác chỉ đạo, Thứ trưởng yêu cầu phải sâu sát, toàn diện, chỉ đạo từ cấp trung ương đến địa phương, từ nguồn lực, cơ sở vật chất, con người, thiết bị công tác phối hợp, phân công nhiệm vụ, thanh tra kiểm tra, lường trước các vấn đề.

Về công tác phối hợp, Kỳ thi diễn ra với quy mô toàn quốc, số lượng nhân lực đông, nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia, cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành như Công an, Y tế, đoàn thanh niên… do đó công tác phối hợp cần nhịp nhàng, thông suốt, hiệu quả và không chồng chéo.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác chuẩn bị, Thứ trưởng yêu cầu chuẩn bị cho Kỳ thi chu đáo, kỹ lưỡng. Càng chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo bao nhiêu thì càng triển khai thuận lợi bấy nhiêu.

Đối với công tác tổ chức thực hiện, Thứ trưởng nêu rõ, các nhân sự được phân công phải thực hiện công việc đúng khâu, đúng quy chế. Đặc biệt là các quy trình, từ quy trình về chuyên môn, quy trình về xử lý các tình huống bất thường, quy trình báo cáo phải tuyệt đối tuân thủ tuyệt đối.

Đề cập đến công tác truyền thông, Thứ trưởng cũng yêu cầu phải thực hiện chủ động, kịp thời, truyền thông đúng, đủ, để xã hội thấu hiểu, đồng thuận, thấy được tính chất, quy mô, áp lực của Kỳ thi. Các cơ quan truyền thông từ trung ương đến địa phương cần phản ánh đúng tinh thần của Kỳ thi, có những trường hợp cần cảnh báo, răn đe nhưng cũng tránh áp lực, căng thẳng cho Kỳ thi.

Thứ trưởng đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị gian lận vào phòng thi. Các lực lượng từ công an tới các thầy cô giáo, bằng khả năng nghiệp vụ và bằng khả năng quan sát đã được tập huấn cần hết sức trách nhiệm để phát hiện và phòng ngừa.

Với phương châm cao nhất là không để bất cứ thí sinh nào vì điều kiện khó khăn về kinh tế hay cách trở về giao thông không được dự thi, Thứ trưởng chỉ đạo, các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các thí sinh dự thi.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng lưu ý các địa phương về công tác vận chuyển, in sao đề thi; công tác coi thi, chấm thi; công tác nhân sự để Kỳ thi diễn ra đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, với tinh thần an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy chế, chu đáo và thân thiện./.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN