Đảm bảo thực hiện các quyền của người dân tộc thiểu số trong lĩnh vực văn hoá
ĐCSVN) - Đảm bảo thực hiện các quyền của người dân tộc thiểu số trong lĩnh vực văn hoá được Việt Nam xác định là nghĩa vụ quốc gia. Vì vậy, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật để đảm bảo, thúc đẩy quyền được tham gia vào các hoạt động của đời sống văn hóa và bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số.
Ông Hoàng Văn Xô - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Uỷ ban Dân tộc giới thiệu với đại diện một số cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam về bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam thể hiện qua các bức ảnh |
Quyền văn hóa là một phạm trù của quyền con người nhằm đảm bảo tất cả mọi người không bị phân biệt đối xử, có thể tự do tiếp cận, tham gia và đóng góp cho đời sống văn hóa.
Khoản f, mục 5, Điều 5 Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) ghi nhận: “Quyền được tham gia bình đẳng vào các hoạt động văn hóa”.
Điều 27 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền nêu: “Ai cũng có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, thưởng ngoạn nghệ thuật, được hưởng các tiến bộ khoa học và lợi ích của những tiến bộ ấy. Ai cũng được bảo vệ bởi những quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ những sản phẩm khoa học, văn học hay nghệ thuật của mình”.
Trẻ em dân tộc Mông ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái biểu diễn văn nghệ (PL) |
Điều 27 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị cũng ghi rõ: “Ở những quốc gia có nhiều nhóm thiểu số về sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ, những cá nhân thuộc các nhóm thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không bị khước từ quyền có đời sống văn hoá riêng, quyền được theo và thực hành tôn giáo riêng, hoặc quyền được sử dụng ngôn ngữ riêng của họ”.
Từ năm 1977, sau khi trở thành thành viên Liên hợp quốc, Việt Nam đã từng bước tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con người. Do vậy, đảm bảo thực hiện các quyền con người của người dân tộc thiểu số trong lĩnh vực văn hoá được Việt Nam xác định là nghĩa vụ quốc gia.
Là đất nước có nhiều dân tộc thiểu số nên tại Việt Nam, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật để đảm bảo, thúc đẩy quyền được tham gia vào các hoạt động của đời sống văn hóa và bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của người dân tộc thiểu số.
Điều 41, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”.
Cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013, Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật chuyên ngành làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền được tham gia vào các hoạt động của đời sống văn hóa và bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của người dân tộc thiểu số.
Cụ thể, trong Luật Di sản văn hoá có quy định về các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; trách nhiệm của Nhà nước trong việc có chính sách và tạo điều kiện bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; bảo vệ, phát huy những thuần phong mỹ tục trong lối sống, nếp sống của dân tộc; duy trì và phát huy giá trị văn hoá của các lễ hội truyền thống…
Phụ nữ dân tộc Pà Thẻn, xã Tân Lập, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang (ảnh: CTV) |
Tại Luật Điện ảnh có quy định về chính sách đầu tư thiết bị chiếu phim, phương tiện vận chuyển, cấp kinh phí hoạt động cho đội chiếu phim lưu động ở nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (Điều 34).
Luật Thư viện có quy định về đầu tư cho thư viện công lập trong việc tổ chức dịch vụ thư viện lưu động, luân chuyển tài nguyên thông tin phục vụ khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn (khoản 1 Điều 5). Người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin bằng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với điều kiện của thư viện (khoản 1 Điều 44).
Ngoài hệ thống văn bản pháp luật, Nhà nước Việt Nam còn ban hành nhiều chính sách đảm bảo quyền được tham gia vào các hoạt động của đời sống văn hóa và bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng.
Nổi bật là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”; Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” theo Quyết định số 1558/QĐ-TTg ngày 5/8/2016; Đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 3/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hoá truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 2493/QĐ-TTg ngày 22/12/2016; lấy ngày 19/4 hàng năm làm Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam theo Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ…
Trong thẩm quyền, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Dự án “Bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; Đề án “Đưa các chương trình văn hoá nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số”; Đề án “Tổ chức định kỳ “Ngày hội giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số” theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2013 - 2020; Dự án “Gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số; Đề án “Bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”; Thông tư số 12 ngày 10/10/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều trong Nghị định số 05 ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc.
Trong Nghị quyết số 88 của Quốc hội khoá XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có mục tiêu đến năm 2025: “Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng”.
Triển khai Nghị quyết số 88 của Quốc hội khoá XIV, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTG ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025.
Nét đẹp phụ nữ dân tộc Thái xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La (ảnh: CTV) |
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia có Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch với dự kiến số vốn gần 6.000 tỷ đồng. Dự án hướng tới mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người./.