Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Tây Nguyên

Thứ Bảy, 07/10/2023 17:24 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Vùng Tây Nguyên là địa bàn hoạt động của nhiều tổ chức tôn giáo với tổng số khoảng 2,3 triệu tín đồ, gần 4.000 chức sắc, 10.000 chức việc và trên 1.300 cơ sở thờ tự. Công giáo, Phật giáo, Tin Lành là những tôn giáo lớn, chủ yếu ở Tây Nguyên.

Công giáo  là tôn giáo có mặt sớm nhất ở Tây Nguyên, tập trung đông tín đồ dân tộc thiểu số (DTTS) nhất của Công giáo ở Việt Nam, chiếm 81% tín đồ người dân tộc trong Giáo hội Công giáo Việt Nam. Hiện nay, Công giáo ở vùng Tây Nguyên có 01 dòng tu nữ người DTTS thuộc giáo phận Kon Tum. Công giáo ở khu vực Tây Nguyên có trên 1,1 triệu tín đồ, khoảng 1.000 chức sắc, trên 2.500 chức việc, khoảng 500 cơ sở thờ tự.

Phật giáo  là tôn giáo lớn thứ hai ở Tây Nguyên, tín đồ đa số là người Kinh, tỷ lệ người DTTS theo Phật giáo rất ít, tập trung đông nhất ở tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay, Phật giáo ở khu vực Tây Nguyên có trên 670.000 tín đồ, khoảng 1.900 chức sắc, trên 2.800 chức việc, khoảng 570 cơ sở thờ tự.

Đạo Tin Lành ở khu vực Tây Nguyên có trên 530.000 tín đồ, 800 chức sắc, 3.000 chức việc và khoảng 200 cơ sở thờ tự. Đạo Tin Lành có vị trí quan trọng trong đời sống tôn giáo và đáp ứng được nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên.

Sinh hoạt tôn giáo tại nhà thờ Tin lành Plei Mơ Nú, xã Chư Á, thành phố Pleiku (Gia Lai) 

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về công tác tôn giáo, hằng năm, các cấp chính quyền ở Tây Nguyên đều tổ chức các cuộc thăm, gặp mặt, đối thoại với các tổ chức, chức sắc tôn giáo để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào tôn giáo và tham mưu giải quyết những vấn đề tôn giáo phát sinh, không để xảy ra “điểm nóng” về tôn giáo.

Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, các tỉnh vùng Tây Nguyên luôn bảo đảm các lễ hội tôn giáo diễn ra bình thường. Hoạt động phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển chức sắc, tín đồ tôn giáo được giải quyết nhanh chóng. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo được duy trì và mở rộng. Việc in ấn kinh sách và xuất bản các ấn phẩm liên quan đến tôn giáo được thực hiện thường xuyên, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các tổ chức tôn giáo. Việc xây dựng, tu bổ, sửa chữa cơ sở thờ tự tôn giáo được quan tâm giải quyết thỏa đáng theo quy định của pháp luật.

Các cấp chính quyền cũng tập trung giải quyết dứt điểm các tranh chấp, khiếu nại về đất đai, cơ sở thờ tự có liên quan đến tôn giáo, nhất là những vụ việc tồn đọng kéo dài. Rà soát, thống kê tổng thể tình hình quản lý, sử dụng nhà đất có liên quan đến tôn giáo. Hướng dẫn kê khai, đăng ký sử dụng đất và sớm hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo. Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo xây dựng, cải tạo, sửa chữa cơ sở thờ tự theo đúng quy định của pháp luật, nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng và tạo điều kiện để các tín đồ có địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương./.

Trần Sơn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN