Đảm bảo quyền bí mật thông tin của trẻ em
(ĐCSVN) - Trước khi “click chuột” đăng tải, chia sẻ hình ảnh, thông tin của trẻ, hãy nghĩ đến tương lai và sự phát triển toàn diện của các em.
Mấy ngày qua, khi cơ quan điều tra truy tố một số đối tượng ở Tịnh thất Bồng Lai, rất nhiều hình ảnh, tên tuổi, lai lịch, gốc gác của những đứa trẻ sinh sống ở đây được đưa lên mạng xã hội. Trước tình hình đó, Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) có công văn gửi Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị kiểm tra, xử lý các tài khoản, fanpage chia sẻ hình ảnh trẻ em trong vụ việc và đề nghị có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định tại Luật Trẻ em.
Nói về nội dung này, theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, trong công văn nhấn mạnh: “Các em là nạn nhân và cần được bảo vệ. Chúng tôi yêu cầu phải gỡ bỏ và dừng việc tiết lộ những thông tin liên quan tới đời sống cá nhân của trẻ em ở đây”.
Một trang Facebook mà Cục Trẻ em đề nghị xử lý. Ảnh: Vietnam+ |
Ở vụ việc này, các bé sống trong Tịnh Thất Bồng Lai là những nạn nhân của sự việc. Trách nhiệm tìm hiểu thông tin thuộc về các cơ quan pháp luật, cơ quan điều tra để xử lý các vi phạm. Vậy mà chẳng mấy chốc, tên tuổi, hình ảnh, lai lịch của các em tràn ngập trên mạng, các em bất đắc dĩ trở thành những người “nổi tiếng” bởi liên quan đến vụ việc “hết sức đặc biệt” và được dư luận “đặc biệt quan tâm”. Việc chia sẻ hình ảnh tràn lan đi kèm với thông tin chưa được kiểm chứng cùng sự phán xét, bình phẩm của nhiều người rất dễ khiến các em bị tổn thương, ảnh hưởng xấu đến tâm lý tính cách trong quá trình trưởng thành. Hệ quả trước mắt có thể dẫn đến là các em dễ bị bạn bè kỳ thị, xa lánh, trêu chọc… khiến các em xấu hổ, tủi thân và có thể bỏ học. Xa hơn nữa, những hình ảnh đó nhiều năm sau vẫn có thể bị đào xới lại khiến các em bị ảnh hưởng tới đời sống riêng tư. Thậm chí, các em có nguy cơ trở thành nạn nhân cho các hoạt động tội phạm khác.
Thực tế cho thấy rất nhiều người trưởng thành, đặc biệt là người nổi tiếng, khi bị tiết lộ đời tư, thông tin trên mạng xã hội, ngoài việc thiệt hại về hình ảnh, danh tiếng, nhân phẩm, họ còn bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý, nhiều người đã không chịu nổi áp lực, sự gièm pha, bình phẩm của cộng đồng mạng nên đã tìm đến cái chết. Hãy nhớ, trẻ em là những đứa trẻ non nớt, nhạy cảm, suy nghĩ chưa chín chắn, hay xấu hổ và dễ bị tổn thương. Những đứa trẻ trong vụ việc này càng đặc biệt hơn, càng dễ bị tổn thương hơn. Đừng đẩy những đứa trẻ vô tội vào đường cùng khi rất nhiều người cùng lên tiếng bình phẩm, gièm pha đầy ác ý vào cuộc sống và sự xuất thân của các em nữa. Hãy tôn trọng quyền bí mật cá nhân của các em, giữ cho các em sự phát triển lành mạnh.
Luật Trẻ em năm 2016 quy định, nghiêm cấm hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em. Luật đã đi vào cuộc sống 5 năm, nhưng ở vụ việc này, người ta lại “vô tư” vi phạm, phải chăng đây là sự việc “hot” khiến dư luận “quên” Luật. Hay do pháp luật của ta chưa nghiêm, rất hiếm những vi phạm trong lĩnh vực này bị đưa ra xử lý.
Những hành vi vi phạm pháp luật trên tưởng như vô hại, nhưng thực tế có thể để lại những hậu quả vô cùng to lớn, có thể đánh đổi bằng cuộc sống, bằng tính mạng của nhiều người. Do đó, ngăn chặn ngay những vi phạm “hồn nhiên” không chỉ là việc của cơ quan nhà nước, cơ quan pháp luật, mà cần sự tham gia của mỗi người dân. Tôn trọng pháp luật và bảo đảm được sự an toàn cho trẻ em, mỗi chúng ta cần hiểu luật, hiểu được các mối nguy hiểm khi đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của trẻ lên mạng. Theo đó, ngoài việc cân nhắc thận trọng khi công bố những hình ảnh, thông tin liên quan đến hình ảnh, nhân thân, đời tư của trẻ em, cần lên tiếng phản đối những hành vi vi phạm này.
Trẻ em có quyền được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, cần được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư. Do đó, cơ quan pháp luật cần xử phạt nghiêm minh và tuyên truyền rộng rãi làm gương những hành vi vi phạm này. Cùng với đó, mỗi cơ quan báo chí, mỗi người dân hãy là một công cụ hữu hiệu tuyên truyền pháp luật và giáo dục nhằm thay đổi nhận thức của xã hội.
Trong một xã hội hiện đại, quyền con người ngày càng được đề cao, pháp luật càng phải chặt chẽ. Hãy nhớ, trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Trước khi “click chuột” đăng tải, chia sẻ hình ảnh, thông tin của trẻ, hãy nghĩ đến tương lai và sự phát triển toàn diện của các em./.