Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết
(ĐCSVN) - Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, hàng hóa cung ứng cho nhu cầu sử dụng trong dịp Tết rất đa dạng, đầy đủ. Do đó, người dân không cần tích trữ hàng hóa nhiều mà chỉ nên mua sắm vừa đủ để bảo đảm an toàn thực phẩm và tiết kiệm chi tiêu. Đồng thời, khi sử dụng thực phẩm, người dân nên chú ý hạn dùng, cách bảo quản đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Đoàn công tác khảo sát thực tế tại chợ truyền thống Bình Tây. |
Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong đợt Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024, TP Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý. Đồng thời tổ chức, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho tất cả các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm ở cả thời điểm trước, trong thời gian Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024. Tập trung tuyên truyền các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm đặc biệt là các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm để bảo đảm an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã tổ chức, triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các chợ đầu mối, siêu thị; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt, cá, rau, củ, quả, trà, mứt, bánh, kẹo, rượu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước giải khát, nước đá; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân, ngay từ cuối năm 2023, Sở An toàn thực phẩm Thành phố đã thành lập các đoàn đi kiểm tra các kho chứa nguyên liệu như thịt, hàng tươi sống phục vụ cho việc sản xuất, chế biến hàng hóa Tết. Đến đầu năm 2024, các đoàn tập trung kiểm tra ở các khâu phân phối, cung ứng hàng hóa.
Cũng theo chia sẻ của Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Thành phố, hiện nay, 3 chợ đầu mối lớn trên địa bàn Thành phố (Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn) mỗi ngày cung ứng cho khoảng 80% nhu cầu của người dân địa phương. Đến thời điểm cận Tết, do nhu cầu tăng nên lượng thực phẩm về các chợ cũng tăng lên từ khoảng 30-50%. Do đó, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại 3 chợ này luôn được chú trọng quan tâm. Sở đã phân công 3 Đội Quản lý an toàn thực phẩm “cắm chốt” tại 3 chợ đầu mối nhằm đảm bảo thực phẩm ra vào chợ luôn được giám sát, kiểm tra.
“Chủ trương của chúng tôi là phải đảm bảo được tính an toàn cao nhất tại các chợ đầu mối; bởi thực phẩm từ đây sẽ tỏa đi khắp địa bàn Thành phố. Nếu không đảm bảo được sự an toàn từ các chợ này, nguy cơ người dân sử dụng phải thực phẩm không an toàn càng cao,” bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Đội Quản lý An toàn thực phẩm test nhanh mẫu thực phẩm ngẫu nhiên. |
Qua công tác kiểm tra, bước đầu có thể nhận thấy, việc chấp hành về vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất hàng Tết tại TP Hồ Chí Minh tương đối tốt, chưa ghi nhận vụ vi phạm nghiêm trọng nào về an toàn thực phẩm. Sở An toàn thực phẩm Thành phố cho biết sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong đợt cao điểm Tết.
Tuy nhiên, bà Lan cũng lo lắng về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm đối với tình trạng buôn bán thực phẩm bất hợp pháp trên vỉa hè, lòng, lề đường chưa thể giải quyết triệt để cũng như hoạt động kinh doanh thực phẩm online.
Bà Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo người dân cần thật cẩn thận khi mua, sử dụng thực phẩm nhất là trong dịp Tết. Hàng hóa cung ứng cho nhu cầu sử dụng trong dịp Tết rất đa dạng, đầy đủ. Hệ thống kênh phân phối bán lẻ hoạt động liên tục, nhiều nơi bán xuyên Tết. Vì thế, người dân không cần tích trữ hàng hóa, chỉ nên mua sắm vừa đủ để bảo đảm an toàn thực phẩm và tiết kiệm chi tiêu. Khi mua sắm thực phẩm nên mua ở những địa chỉ uy tín, đã được kiểm tra giám sát. Khi sử dụng thực phẩm, người dân nên chú ý hạn dùng, cách bảo quản đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Đồng thời, bà Phạm Khánh Phong Lan kêu gọi người dân khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm hoặc nếu gặp phải sự cố về mất an toàn thực phẩm cần gọi đến số điện thoại đường dây nóng của Sở An toàn thực phẩm (028.39.301.714) để được giải quyết, xử lý kịp thời./.