Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đảm bảo an sinh xã hội cho người dân tộc thiểu số về quê tránh dịch

Thứ Sáu, 15/10/2021 15:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trước làn sóng người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai rời địa bàn về quê tránh dịch COVID-19, rất cần các địa phương thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm an sinh xã hội để đồng bào yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống tại quê nhà.

Đại diện Ban Dân tộc và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai tặng quà cho đồng bào Chơro bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 tại xã Sông Thao, huyện Trảng Bom (Ảnh: Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai)

Theo tổng hợp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Ủy ban Dân tộc, từ ngày 30/9 đến 13/10, khoảng 140 nghìn người lao động, trong đó có nhiều người là đồng bào DTTS từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... di chuyển bằng phương tiện cá nhân về các tỉnh miền Tây Nam bộ, miền Trung - Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc. Có nơi, con số lên đến 20.000-30.000 người, nơi ít cũng 1.000 - 2.000 người. Đơn cử, đến ngày 11/10, Hậu Giang đã tiếp nhận hơn 11.000 người từ các tỉnh, thành về quê; tỉnh Kiên Giang, từ 01- 11/10, tiếp nhận hơn 43.500 công dân về quê bằng xe máy.

Một số địa phương đã quan tâm bố trí phương tiện đón, hướng dẫn, cách ly, hỗ trợ lương thực, nước uống, xăng xe.... cũng như giải quyết an sinh xã hội bảo đảm ổn định cuộc sống tại quê nhà cho số ít người. Còn lại, do đa số người dân di chuyển tự phát, số lượng quá đông khiến địa phương bị động, quá tải, thiếu nguồn lực để hỗ trợ nhân dân và đối diện với nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn. Trước tình hình đó, các địa phương đã phải trưng dụng nhiều trường học để làm điểm cách ly.

Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, dự kiến tỉnh này đón khoảng 40 nghìn lao động trở về khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại trên địa bàn rất cao và địa phương gặp nhiều khó khăn trong đảm bảo an sinh xã hội và nguồn lực chống dịch.

Theo số liệu của các Vụ Địa phương trực thuộc Ủy ban Dân tộc quản lý địa bàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Tây Nam bộ tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh, việc số lượng lớn người trở về các tỉnh, thành trong vùng khiến lượng người cách ly tăng đột biến, đồng thời ghi nhận nhiều ca dương tính qua xét nghiệm sàng lọc.

Tại tỉnh Trà Vinh, ghi nhận 28 ca nhiễm thì có 27 ca về từ ngoài tỉnh; tỉnh Hậu Giang, trong số 11.000 người từ các tỉnh, thành về đã phát hiện 235 trường hợp nhiễm COVID-19; riêng ngày 11-12/10, ghi nhận thêm 13 ca mắc mới đều là người về từ ngoài tỉnh. Tỉnh Đắk Lắk tổ chức test nhanh cho hơn 6.000 người từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... về quê, đã phát hiện 12 trường hợp nhiễm COVID-19…

Nhằm giảm bớt phần nào khó khăn, động viên người dân yên tâm thực hiện các biện pháp phòng dịch, tỉnh Sóc Trăng thống nhất chủ trương hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày cho người dân Sóc Trăng từ vùng dịch về quê phải cách ly tập trung, cách ly tại nhà và các trường hợp F1 được cách ly tại nhà. 

Tỉnh Kiên Giang đã tổ chức đón 3 đợt, hơn 1.250 công dân về từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương. Địa phương đã cách ly chu đáo và quan tâm chính sách an sinh xã hội, chi hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, giúp bà con an tâm vuợt qua khó khăn trước mắt. Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến trên 55 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai cho biết, ngoài tổ chức test nhanh, hỗ trợ bánh mì, nước uống và cho xe cảnh sát dẫn đường đưa 1.700 công nhân, người lao động về Ninh Thuận, khoảng 3.800 người về các tỉnh miền Tây, tỉnh còn tổ chức cho xe chở khoảng 200 người về Đắk Lắk, hơn 200 người về Gia Lai.

Ban cũng đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thăm, tặng quà cho 4.000 hộ đồng bào DTTS gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng (gồm gạo, dầu ăn, mì tôm, nước tương), tổng trị giá các phần quà là 1,2 tỷ đồng.

Ban Dân tộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp rà soát, tổng hợp danh sách đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nhiễm COVID-19; hỗ trợ 4.510 lượt người là đồng bào các DTTS trong tỉnh, với tổng kinh phí là trên 8,7 tỷ đồng theo các chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, hỗ trợ tiền ăn đối với F0, F1; lao động không có hợp đồng lao động, lao động mất việc... Ngoài ra, còn 6.870 lượt người DTTS được các mạnh thường quân là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ quà trị giá trên 2,5 tỷ đồng.

Trước làn sóng người dân từ vùng dịch trở về quê, trong đó có nhiều người DTTS, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 Ủy ban Dân tộc đã kiến nghị Tiểu ban Dân vận thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị các địa phương có phương án đón người, nhất là đồng bào DTTS các tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Tây Nam bộ bảo đảm an toàn, giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội để đồng bào yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống tại quê nhà.

Kiến nghị Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An... có chính sách đặc thù hỗ trợ, tạo công ăn việc làm đối với lao động DTTS có nguyện vọng về quê nhưng đang trong thời gian chờ sắp xếp của địa phương phải lưu trú lại địa bàn có điều kiện ăn, ở và phòng chống dịch bệnh, tránh để đồng bào lang thang, cơ nhỡ./.


Bài, ảnh: Phương Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN