Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đắk Nông: Hơn 2.350 tỷ đồng tái canh cà phê

Thứ Tư, 20/01/2016 17:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Đắk Nông sẽ tái canh, ghép cải tạo (tái canh) hơn 22 nghìn ha cà phê với nguồn vốn đầu tư trên 2.350 tỷ đồng.

Thành phẩm nhân cà phê được đóng bao. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

 

Theo ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, tái canh cà phê nhằm thay thế diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, bị sâu bệnh nặng bằng các giống cà phê cao sản có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của từng địa phương. Sau tái canh, phấn đấu đến năm 2020 năng suất cà phê bình quân đạt 28 -30 tạ/ha; góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và xây dựng vùng cà phê bền vững. Đồng thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trồng và chăm sóc cà phê tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Đắk Nông. 

Ông Duyên cũng cho biết lộ trình tái canh đảm bảo không tạo ra biến động lớn về sản lượng cà phê của tỉnh, không làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người trồng cà phê. Việc chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng các biện pháp tái canh thực hiện theo hình thức cuốn chiếu và những vườn cà phê có độ tuổi từ cao đến thấp; chỉ thực hiện tái canh, ghép cải tạo cà phê trong vùng phát triển cây cà phê của tỉnh… 

Theo đó, tổng diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê đến năm 2020 là hơn 22 nghìn ha; trong đó: trồng tái canh gần 13.400 ha; ghép cải tạo hơn 7.800 ha. Những huyện có diện tích cà phê cần tái canh lớn là Krông Nô (6.480 ha), Đắk Mil (4.378 ha), Đắk R’Lấp (4.186 ha), Đắk G’Long (3.329 ha)… Điều kiện đối với biện pháp cải tạo vườn cà phê là cây cà phê trên 15 năm tuổi, sinh trưởng tốt, có bộ rễ khỏe nhưng không đồng đều về chất lượng, mẫn cảm với bệnh gỉ sắt, năng suất bình quân nhiều năm liền dưới 1,5 tấn/ha. Điều kiện với biện pháp tái canh là cây cà phê trên 20 năm tuổi, sinh trưởng kém, năng suất nhiều năm liền dưới 1,5 tấn/ha, không thể áp dụng các biện pháp cưa đốn phục hồi để ghép cải tạo; cây cà phê dưới 20 năm tuổi nhưng sinh trưởng kém, năng suất thấp… 

Trong tổng nguồn vốn tái canh cà phê gia đoạn 2016 - 2020 vốn vay ngân hàng gần 1.060 tỷ đồng, vốn đối ứng của người dân hơn 1.240 tỷ, còn lại là vốn ngân sách. Khi thực hiện tái canh người trồng cà phê được Nhà nước hỗ trợ nguồn giống (từ 50 - 100% chi phí mua giống tùy nguồn vốn và đối tượng cụ thể), quy trình kỹ thuật, kiến thức, kinh nghiệm và chuyển giao khoa học kỹ thuật… 

Để chương trình tái canh đạt hiệu quả cao, tỉnh Đắk Nông sẽ hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch phát triển cà phê trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Tỉnh khuyến khích người dân phát triển liên kết giữa các hộ, giữa người dân với doanh nghiệp; hình thành các liên minh sản xuất, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác để sản xuất cà phê với quy mô lớn. Cùng với đó, tỉnh Đắk Nông cũng chỉ đạo các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch tái canh trên địa bàn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền hỗ trợ. Đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tái canh cà phê phải đăng ký kế hoạch với UBND cấp xã, phường thị trấn để tổng hợp gửi lên cấp trên xem xét, phê duyệt. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng được các cấp, ngành đẩy mạnh để người dân hiểu được lợi ích, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi thực hiện tái canh cà phê. 

Hiện nay, tỉnh Đắk Nông có khoảng 120 nghìn ha cà phê với sản lượng hơn 240 nghìn tấn. Giai đoạn 2012 - 2015, tỉnh đã tái canh được gần 8 nghìn ha trong tổng số hơn 30 nghìn ha cần tái canh, ghép cải tạo./. 

 


Anh Dũng/TTXVN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN