Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đắk Nông: Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư

Thứ Năm, 30/06/2016 11:41 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên, Đắk Nông có nhiều tiềm năng và lợi thế để thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc thu hút đầu tư của tỉnh vẫn còn hạn chế.


Ông Trần Xuân Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam về vấn đề này bên lề Hội nghị “Gặp gỡ địa phương - Ngoại giao đoàn 2016 vào Tây Nguyên”, do Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức ngày 9/6 vừa qua.
 

Ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông trao đổi với phóng viên
bên lề Hội nghị "Gặp gỡ địa phương- Ngoại giao đoàn vào Tây Nguyên 2016"

Phóng viên: Xin ông cho biết về thực trạng và triển vọng thu hút đầu tư của tỉnh Đắk Nông?

Ông Trần Xuân Hải: Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, Đắk Nông nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của Tây Nguyên, nối liền Tây Nguyên với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Duyên hải miền Trung và nước bạn Campuchia. Tỉnh có thế mạnh đặc biệt về đất đai, khí hậu, tài nguyên khoáng sản và nguồn nông sản để thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực như: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp, du lịch và dịch vụ…

So với các tỉnh trong khu vực, Đắk Nông là địa phương có nguồn khoáng sản phong phú, nổi bật là bô xít với trữ lượng trên 5 tỷ tấn quặng thô, chiếm hơn 60% trữ lượng bô xít của cả nước. Do đó, việc khai thác, chế biến bô xít phát triển công nghiệp luyện nhôm có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông.

Cùng với những lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, Đắk Nông đã ban hành những chính sách, ưu đãi đầu tư, dành những ưu đãi của địa phương cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà kết quả thu hút đầu tư thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do điều kiện kết cấu hạ tầng kinh tế-  xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thuận lợi; nguồn nhân lực trình độ còn thấp; công tác xúc tiến đầu tư còn nhiều hạn chế, khó khăn. Số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào tỉnh còn khiêm tốn cả về số lượng và quy mô vốn, chưa tạo sự lan tỏa lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thu hút đầu tư vào địa phương, Đắk Nông đã và đang xây dựng, triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Đồng thời, tỉnh cũng đang nỗ lực xây dựng hệ thống chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua việc tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, giải quyết khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư.


Lò chứa tinh quặng Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ- Đắk Nông.
Đây là một trong những dựán thu hút đầu tư lớn nhất vào Đắk Nông thời gian qua

Bên cạnh đó, địa phương hiện cũng đang triển khai thực hiện định hướng ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, thế mạnh của tỉnh như: Nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng cơ sở, du lịch, công nghiệp khai khoáng, luyện kim, chế biến nông lâm sản, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp sau nhôm để trong thời gian tới, Đắk Nông tiếp tục là địa điểm đầu tư hứa hẹn với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phóng viên: Thưa ông, với những kết quả thu hút đầu tư của tỉnh đã góp phần tạo nhiều chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, điều quan trọng để thu hút đầu tư được hiệu quả hơn thì cần phải tiếp tục đổi mới về cơ chế, thủ tục đầu tư?

Ồng Trần Xuân Hải: Đúng thế! Kết quả thu hút đầu tư của Đắk Nông thời gian qua ngoài tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, một phần rất quan trọng là địa phương đã có những đổi mới về cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư vào địa phương.

Về điều này, trong thời gian gần đây nhất (tính từ đầu năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016), Đắk Nông đã triển khai kịp thời, đầy đủ các quy định về đổi mới thủ tục đầu tư và các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư theo quy định mới, nhất là các quy định tại Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014.

Ngoài ra, Đắk Nông cũng đã tăng cường thực hiện những giải pháp mang tính hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư. Theo đó, tỉnh đã thành lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư hoạt đồng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Mới đây nhất, UBND tỉnh Đắk Nông cũng có văn bản giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tiếp nhận hồ sơ dự án của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức thành lập Đoàn kiểm tra, thẩm định thời gian thực hiện trong vòng 10 ngày (rút ngắn 2/3 thời gian so với quy định); gắn thu hút đầu tư với cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ, liên thông” trong thực hiện các thủ tục đầu tư nhằm từng bước cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện và minh bạch.

Đắk Nông cũng thường xuyên tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hằng tháng, lãnh đạo tỉnh sẽ đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Từ năm 2016 trở đi, tất cả các cuộc thanh tra, kiểm tra của các ngành đối với doanh nghiệp đều phải có kế hoạch, được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Phóng viên:  Trong thời gian tới, Đắk Nông sẽ thu hút, kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực, dự án trọng điểm gì, thưa ông?

Ông Trần Xuân Hải: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI, nhiệm kỳ 2016-2020, xác định mũi nhọn có lợi thế lớn của tỉnh là công nghiệp chế biến Alumin-nhôm-sắt xốp và chế biến sâu các sản phẩm nông, lâm nghiệp; đồng thời tập trung tạo sự đột phá về phát triển nông nghiệp theo định hướng ứng dụng công nghệ cao và hệ thống dịch vụ như: Dịch vụ tài chính-ngân hàng, dịch vụ nông nghiệp, chuyển giao khoa học- công nghệ và dịch vụ hỗ trợ công nghệ Alumin- nhôm- sắt.


Các nhà đầu tư quốc tế đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Đắk Nông 

Nhằm cụ thể hóa việc thu hút đầu tư vào những lĩnh vực tiềm năng, lợi thế của địa phương, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 với 60 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư, với tổng vốn đầu tư dự kiến 7.022 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tổng vốn kêu gọi đầu tư 763 tỷ đồng; 14 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, tổng vốn kêu gọi đầu tư 1.931 tỷ đồng; 10 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng-bất động sản, tổng vốn kêu gọi đầu tư 1.822 tỷ đồng; 19 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, tổng vốn kêu gọi đầu tư 2.141 tỷ đồng; 7 dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa, tổng vốn kêu gọi đầu tư 365 tỷ đồng. 

Đặc biệt, có 2 dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Trung ương nhưng có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của tỉnh, đó là: Dự án đường cao tốc từ Gia Nghĩa đến Chơn Thành, kết nối khu vực Tây Nguyên với đường sắt xuyên Á. Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 500 triệu USD, đã được Trung ương đồng ý về chủ trương. Dự án thứ hai là dự án xây dựng Cảng hàng không Gia Nghĩa (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 30 triệu USD, cũng đã được Trung ương đồng ý chủ trương, quy hoạch.


Hiện, tỉnh đang đề xuất có thể đầu tư dự án này theo hình thức PPP, trong đó phần vốn của Nhà nước có thể vay ODA hoặc phát hành trái phiếu; phần vốn còn lại huy động đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phóng viên:
 Xin cảm ơn ông!

Đình Tăng (thực hiện)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN