Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đắk Lắk: Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản

Thứ Năm, 30/09/2021 16:10 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều đặc sản nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk gặp khó khăn về đầu ra. Thời gian qua, chính quyền và các cơ quan chuyên môn của tỉnh đang nỗ lực tìm giải pháp nhằm kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh trong tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

 Vườn bơ Booth của nông dân huyện Krông Năng đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch chính.
(Ảnh: Minh Thuận)

Với lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, Đắk Lắk đã và sẽ có nhiều nông sản đứng đầu cả nước cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đến nay, Đắk Lắk đã có gần 40.000 ha, với sản lượng 220.000 tấn quả tươi một số loại có diện tích và sản lượng khá lớn như: Sầu riêng với sản lượng 103.000 tấn; bơ với sản lượng hơn 80.000 tấn;...

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến khâu vận chuyển, lưu thông gặp khó khăn, nhiều nông sản chủ lực của tỉnh tiêu thụ chậm; đặc biệt là một số trái cây như bơ, sầu riêng với sản lượng lớn, thời gian bảo quản ngắn và thu hoạch đúng thời điểm dịch bệnh căng thẳng, tỉnh chưa có nhà máy chế biến, kho lạnh bảo quản trái cây quy mô lớn.

Đề xuất nhiều biện pháp hỗ trợ hiệu quả

Thời gian qua, chính quyền và các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã nỗ lực kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn Đắk Lắk, trong đó có hai sản phẩm chủ lực là bơ và sầu riêng. Tuy nhiên, sản lượng hiện vẫn còn khá nhiều, tỉnh đang tiếp tục kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân trong mùa dịch.

Nếu như năm 2020 có khoảng 40% sản lượng sầu riêng và 30% sản lượng bơ của Đắk Lắk được xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, còn lại là tiêu thụ nội địa, thì năm nay, thị trường trái cây của Đắk Lắk gần như “đóng băng" do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung - cầu, lưu thông bị gián đoạn nhiều nơi.

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có công văn gửi các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT)... đề nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19, nhất là các loại cây ăn quả có sản lượng lớn đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, kịch bản tiêu thụ bơ, sầu riêng niên vụ 2021. Tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tập trung triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ bơ, sầu riêng cho nông dân và doanh nghiệp, thương lái trong thời gian tới. 

Để thuận lợi trong việc tiêu thụ nông sản, tỉnh Đắk Lắk đề nghị các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh nông sản của tỉnh tham gia sàn. Đồng thời, các bộ, ngành hỗ trợ quảng bá, hướng dẫn tỉnh Đắk Lắk triển khai các hoạt động kết nối, tiêu thụ trên môi trường số; giới thiệu, kết nối các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp phân phối lớn để thúc đẩy tiêu thụ bơ, sầu riêng.

Cùng với đó, các bộ, ngành hỗ trợ cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ nông sản của nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa của tỉnh đi qua và đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo thống kê của Sở NN-PTNN tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có hơn 12.000 ha trồng sầu riêng, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 5.300 ha, sản lượng hơn 100.000 tấn. Thời vụ thu hoạch tập trung từ tháng 8 - 10/2021. Nông dân Đắk Lắk trồng chủ yếu là giống Ri6, Dona chất lượng tốt. Sầu riêng có vỏ mỏng, cơm dày, thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng.

Bên cạnh sầu riêng, hiện nay, tỉnh Đắk Lắk cũng có trên 9.000 ha bơ với sản lượng cho thu hoạch khoảng 82.000 tấn. Nhiều giống bơ nổi tiếng được trồng tại Đắk Lắk như: bơ 034, bơ sáp, bơ H, bơ Booth. Bơ Đắk Lắk được đánh giá cao về chất lượng, có thịt dày, dẻo thơm, vị béo. Từ giữa tháng 8, bơ Booth và bơ H sẽ vào vụ thu hoạch với sản lượng ước tính khoảng 40.000 tấn.

Hiện nay, tỉnh đã kết nối được nhiều doanh nghiệp thu mua trái cây cho nông dân các địa phương. Tiêu biểu như: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thương mại dịch vụ Ngọc Minh Châu (TP. Hồ Chí Minh) đang ký hợp đồng với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Krông Pắc tiêu thụ 7.000 tấn sầu siêng; Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và dịch vụ An Nguyên đã ký kết tiêu thụ 150 tấn sầu riêng và 20 tấn bơ…

Bên cạnh đó, tỉnh còn phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên hai sàn thương mại điện tử là sendo.vn và voso.vn. Đồng thời, làm việc với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại toàn quốc (hệ thống siêu thị Lotte, Big C, Vincom, Mega Market, Co.opmart…), các đơn vị thu mua nông sản trong và ngoài tỉnh để kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.

Đắk Lắk cũng triển khai kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển, lưu thông nông sản trong điều kiện dịch COVID-19; đã cấp được hơn 4.000 thẻ nhận diện phương tiện chứa mã QR để các phương tiện vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh được ưu tiên lưu thông trên "luồng xanh" khi đến, đi, đi qua các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. 

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, thương lái và phương tiện vận chuyển trong việc cấp giấy đi đường, ưu tiên test nhanh và được tiêm vắc xin phòng COVID-19 để được thuận tiện khi xuống địa bàn thu hoạch, phân loại, đóng gói. Cùng với đó, chỉ đạo các ngành tiếp tục rà soát số kho cấp đông trên địa bàn để giới thiệu cho các doanh nghiệp thu mua nông sản, hợp đồng thuê kho dự trữ tạm thời, chờ khi thuận lợi cung cấp ra thị trường tiêu thụ.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị các cơ quan truyền thông tuyên truyền để người dân nắm bắt trong tình hình dịch khó khăn, ngày càng diễn biến phức tạp, tránh tình trạng chần chừ, chờ giá cao rồi bán dẫn đến mất cơ hội kết nối tiêu thụ.

Ngày 25/9 vừa qua, tổ Công tác 970 (Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch COVID-19) – Bộ NN-PTNN cũng đã tổ chức Diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2021 kết nối đến với nhiều điểm cầu trên cả nước. Diễn đàn được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đây là sự kiện hết sức quan trọng, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh Đắk Lắk, của Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

 

Tuệ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN