Đắk Lắk thực hiện tốt các chính sách đối với Người có uy tín
(ĐCSVN) - Đội ngũ Người có uy tín của tỉnh Đắk Lắk là những nhân tố tích cực, luôn đi đầu, chủ động trong việc tuyên truyền người dân, cộng đồng hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình tại cơ sở. Chính vì vậy, các cấp ủy Đảng tỉnh Đắk Lắk đặc biệt quan tâm đến các chính sách cho Người có uy tín, qua đó đã phát huy vai trò Người uy tín trên các lĩnh vực đời sống xã hội của tỉnh.
Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk Hà Huy Quang chia sẻ: Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, Nhà nước, là cầu nối chuyển tải chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào các DTTS. Phát huy vai trò của Người có uy tín là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện công tác dân tộc. Chính vì vậy, ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk giao cho Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan chủ trì tham mưu cho tỉnh hướng dẫn, phổ biến, quán triệt kịp thời về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành liên quan để tổ chức triển khai thực hiện.
Để phát huy hơn nữa vai trò của Người có uy tín, trong năm 2023, Ban Dân tộc cũng đã triển khai thực hiện các chế độ, chính sách cho 921 Người có uy tín trên địa bàn tỉnh, như cấp phát 107 điện thoại thông minh cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; cấp phát Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Đắk Lắk; tổ chức 4 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho Người có uy tín; thăm hỏi, thăm viếng 21 trường hợp Người có uy tín bị ốm đau, qua đời, thân nhân Người có uy tín qua đời; tổ chức nhiều chuyến tham quan, học tập… Thông qua những chuyến đi này, các đại biểu là Người có uy tín được giao lưu, học hỏi, chia sẻ, nắm bắt thêm được kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, cách làm hay, sáng tạo về phát triển kinh tế. Từ đó, áp dụng cụ thể cho từng địa phương. Đặc biệt có địa phương đã hình thành các hợp tác xã, dịch vụ do Người có uy tín làm chủ, đông đảo thành viên là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nổi bật như Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp dệt thổ cẩm Tơng Bông, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột do bà H’Yam B’Krông, Người có uy tín của buôn làm chủ, có 45 thành viên góp vốn, thu hút 100 lao động tham gia.
Lực lượng Người có uy tín không chỉ phát triển kinh tế giỏi mà họ còn phát huy vai trò nòng cốt và có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương; thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không nghe, không tin, không theo thông tin bịa đặt, phản bác, nói xấu chế độ, nói xấu Đảng, Nhà nước, kích động, lôi kéo gây mất đoàn kết nội bộ trong Nhân dân của các thế lực thù địch. Trong lực lượng đó có ông Y Tiê Knul, buôn Cuôr, xã Ea M'Dróh, huyện Cư M'gar
Ngoài ra, còn có rất nhiều Người có uy tín có những đóng góp quan trọng tại địa phương, như ông H' Bliăk Niê, dân tộc Ê Đê - Người có uy tín tại buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin có nhiều thành tích trong công tác phát triển giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; hay như ông Phan Mạnh Hùng, dân tộc Nùng, có thành tích xuất sắc trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vùng đồng bào DTTS. Những tấm gương trên chỉ là một phần trong đội ngũ những Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được các cấp ủy, chính quyền ghi nhận và đánh giá cao.