Đắk Lắk: Nâng cao hiệu quả hoạt động cho 238 công ty nông, lâm nghiệp
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước đã thẩm định và xác định mô hình hoạt động cho 238 công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định 118 của Chính phủ; trong đó có 113 công ty nông nghiệp, 125 công ty lâm nghiệp.
Theo đó, các hình thức sắp xếp, gồm tái cơ cấu, duy trì phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh 17 công ty 100% vốn nhà nước gồm 3 công ty lâm nghiệp, 14 công ty nông nghiệp; 58 công ty lâm nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ công ích. Đồng thời chuyển 98 công ty 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (trong đó có 30 công ty lâm nghiệp, còn lại là công ty nông nghiệp), 31 công ty thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên… Các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng đất trên 2,350 triệu ha; trong đó 432.276 ha sản xuất nông nghiệp, trên 1,5 triệu ha lâm nghiệp.
Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, rừng, các công ty nông, lâm nghiệp tiếp tục rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch, kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp của địa phương.
Bên cạnh đó, các công ty cũng cần xác định rõ diện tích từng loại đất được giữ lại để sử dụng phù hợp với nhiệm vụ được giao, biện pháp để bảo vệ, cải tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ môi trường.
Đối với các công ty nông, lâm nghiệp đã rà soát, đo đạc xong cần xác định ranh giới thực địa và lập bản đồ địa chính. Đồng thời tăng cường đầu tư khoa học kỹ thuật trong tổ chức sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao đạt tiêu chuẩn, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín từ giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Mặt khác, các đơn vị cũng cần liên kết giữa các doanh nghiệp, doanh nghiệp với người sản xuất, liên kết vùng, tạo cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nông, lâm nghiệp như tiền thuê đất, tín dụng, cơ chế quản trị doanh nghiệp.
Cùng với đó, các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý rừng, nhất là thực hiện giao rừng tự nhiên gắn với giao đất theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời định giá rừng sản xuất là rừng trồng làm cơ sở để giao vốn, thực hiện cổ phần hóa, liên doanh liên kết, thế chấp, vay vốn.
Ngoài ra, việc thu hoạch sản phẩm rừng trồng là rừng sản xuất do chủ rừng quyết định về thời điểm và được tự do lưu thông, tiêu thụ; tạo cơ chế để mọi thành phần kinh tế tham gia trong phát triển rừng, nhất là trồng rừng lấy gỗ lớn…./.
Quang Huy/TTXVN