Đắk Lắk: Bế giảng lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho sinh viên
(ĐCSVN) – Lớp truyền dạy cồng chiêng cho sinh viên tại Trường Đại học Tây Nguyên là hoạt động thiết thực nhằm giúp cho thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần đưa hoạt động sinh hoạt, giao lưu văn hóa cồng chiêng ở địa phương ngày càng phát triển sâu rộng…
Các học viên nhận Chứng nhận hoàn thành lớp học. |
Ngày 20/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk phối hợp với trường Đại học Tây Nguyên tổ chức Lễ bế giảng lớp truyền dạy đánh chiêng Ê Đê cho sinh viên trường Đại học Tây Nguyên. Đây là hoạt động năm trong thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trường Đại học Tây Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025.
Lớp truyền dạy đánh chiêng Êđê được tổ chức từ đầu tháng 10/2022 với sự tham gia của 30 học viên là người dân tộc thiểu số (DTTS) đang theo học tại Trường Đại học Tây Nguyên. Được sự truyền dạy của các nghệ nhân giàu kinh nghiệm, đến nay, các học viên đã tiếp thu hiệu quả các nội dung được truyền đạt, đánh được các bài chiêng cơ bản dùng trong các dịp lễ, hội như: đón khách, mừng mùa, mừng lúa mới…
Lớp truyền dạy cồng chiêng cho sinh viên tại Trường Đại học Tây Nguyên là hoạt động thiết thực được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk tổ chức nhằm giúp cho thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần đưa hoạt động sinh hoạt, giao lưu văn hóa cồng chiêng ở địa phương ngày càng phát triển sâu rộng, phục vụ hiệu quả nhu cầu, đời sống văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn. Đặc biệt, các học viên không chỉ thể hiện đam mê tiếp nhận di sản dân tộc mà còn góp phần lan tỏa giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO ghi danh năm 2005.
Đánh giá về kết quả lớp học, Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân cho biết: Đây là lớp cồng chiêng đầu tiên của trường toàn bộ các em đều học người DTTS, trong đó chủ yếu DTTS Tây Nguyên. Đây là nét mới để các em sinh viên DTTS hiểu về cội nguồn, giá trị văn hóa của dân tộc mình mà bây giờ là đại diện văn hóa phi vật thể của cả thế giới.
Một điều nữa, trước đây rất nhiều DTTS Tây Nguyên không có nữ đánh chiêng, ngoại trừ các nhánh dân tộc Mnông và người Lạch (nhóm địa phương thuộc dân tộc Cơ Ho) ở Lâm Đồng là có nữ đánh chiêng. Nhưng lần này, có cả nữ đánh chiêng cũng là nét mới của lớp học đã vượt ra khỏi kiêng kỵ của một số dân tộc.
Bên cạnh đó, người dạy đánh cồng chiêng cũng có nhiều nét mới. Trước đây, người dạy là một số anh chị em hoạt động nghệ thuật tìm hiểu, hướng dẫn cồng chiêng. Nhưng lần này, thầy dạy là những nghệ nhân ở các buôn làng, những báu vật dân gian sống. Các nghệ nhân không những truyền dạy kỹ thuật đánh chiêng cơ bản, mà truyền tình yêu đối với giá trị di sản được thế giới công nhận.
“Việc mở rộng truyền dạy cồng chiêng của các dân tộc khác, chiêng Ba Na trong lớp này là một sáng tạo. Mong rằng tới đây, trường Đại học Tây Nguyên có thể thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng Tây Nguyên, đưa chiêng Ba Na, chiêng Gia Rai, Mnông vào truyền dạy và đưa cồng chiêng thành sinh hoạt ngoại khóa của sinh viên để các em có điều kiện tập luyện nhiều hơn” - Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân nói.
Phát biểu lại buổi lễ, đồng chí Thái Hồng Hà, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk ghi nhận và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các nghệ nhân đã nhiệt tình truyền dạy kỹ năng chỉnh chiêng, đánh chiêng và nghệ thuật trình diễn cồng chiêng cho các em học viên, góp phần bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc. Đặc biệt là sự nỗ lực học tập của học viên luôn chấp hành nghiêm túc nội quy, quy định của ban tổ chức, tham gia đầy đủ nội dung chương trình, tích cực học tập các bài chiêng do các nghệ nhân truyền dạy.
Tiết mục diễn tấu chiêng Êđê do sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên và nghệ nhân biểu diễn. |
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Hồng Hà đề nghị, sau khóa học, các học viên tiếp tục tập luyện, trau dồi kỹ năng đánh các bài chiêng; tích cực tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu văn hóa, nghệ thuật quần chúng, chuyên nghiệp nhằm giới thiệu, quảng bá di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đến với bạn bè trong nước và quốc tế; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết số 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Tại Lễ bế giảng, Ban Tổ chức đã trao Giấy chứng nhận cho 30 sinh viên tham gia lớp học truyền dạy đánh cồng chiêng tại trường Đại học Tây Nguyên./.