Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đắk Lắk: 291 Tổ truyền thông cộng đồng thực hiện bình đẳng giới nhiều hoạt động hiệu quả

Thứ Ba, 05/12/2023 17:31 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 291 Tổ truyền thông cộng đồng thực hiện bình đẳng giới.

Ra mắt “Tổ truyền thông cộng đồng” ở xã Ea Hồ, huyện Krông Năng - ảnh: Nguyễn Gia 

Theo đó, mỗi tổ có từ 8 - 10 thành viên, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm; có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng thay đổi nếp nghĩ cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những hủ tục; đồng thời tích cực theo dõi, nắm bắt đời sống tâm tư, nguyện vọng của người dân nói chung, phụ nữ, trẻ em gái nói riêng...

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk cho biết, để các Tổ truyền thông cộng đồng phát huy hiệu quả, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho tất các các thành viên về một số nội dung như: Nhận thức cơ bản về giới – bình đẳng giới; kỹ năng lập kế hoạch truyền thông; viết tin, bài; kỹ năng truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà thông qua các trò chơi thú vị, kết nối cộng đồng, qua đó không chỉ giúp chị em phụ nữ mà cả nam giới có cách nhìn toàn diện hơn trong quan niệm về giới, trách nhiệm, lợi ích từ việc chia sẻ công việc nhà giữa các thành viên trong gia đình.

Đơn cử như tại huyện Krông Năng đã thành lập và ra mắt 4 “Tổ truyền thông cộng đồng” với 31 thành viên ở các xã: Ea Puk, Ea Dăh, Ea Hồ và Dliê Ya. Ngay sau khi thành lập, các thành viên ở các Tổ lên kế hoạch triển khai, tập trung tuyên truyền, vận động xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc đối với phụ nữ, trẻ em; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới tại các thôn, buôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Có thể khẳng định, sau khi đi vào hoạt động chính thức, Tổ truyền thông cộng đồng thực hiện bình đẳng giới đã tổ chức được nhiều hoạt động phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của thành viên, trong đó, đã tiếp nhận góp ý những vấn đề bức thiết liên quan đến phụ nữ và trẻ em qua hòm thư đặt tại thôn, buôn hay như thông qua ứng dụng của mạng xã hội Zalo, Facebook… Từ kênh tiếp nhận này, thông qua Tổ truyền thông cộng đồng đã tiếp nhận và thông tin, báo cáo, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể, cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết kịp thời, nhằm giải quyết ngay những nhu cầu chính đáng và nguyện vọng thiết thân, để có giải pháp phù hợp trong tình hình hiện nay./.

Gia Phạm

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN