Đại tá La Văn Cầu: Một lòng một dạ vì nền độc lập, tự do của nước nhà
(ĐCSVN) - Anh hùng La Văn Cầu là 1 trong 7 người được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần I. Ông là tấm gương giết giặc lập công, trở thành huyền thoại sáng ngời trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá La Văn Cầu sinh năm 1931, là người con ưu tú của dân tộc Tày ở tỉnh Cao Bằng, chứng kiến cảnh cha mất dưới tay thực dân Pháp, ông căm thù và khát khao được cầm súng đánh giặc, giành lại hòa bình cho Tổ quốc. Năm 1948, khi chưa đến 16 tuổi, La Văn Cầu đã xin các đồng chí tuyển quân làm liên lạc cho bộ đội. Bằng ý chí và sự quyết tâm trả thù cho cha, chàng trai La Văn Cầu ngày ấy vượt qua được mọi khó khăn, trở thành một trong những chiến sĩ gương mẫu, giàu lòng nhân ái, được chỉ huy và đồng đội yêu quý.
Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chúng tôi đã có cơ duyên gặp gỡ và trò chuyện với Đại tá La Văn Cầu, cùng ông ôn lại những kỷ niệm lịch sử hào hùng đầy tự hào năm xưa.
Đại tá La Văn Cầu (Ảnh: Nhóm PV) |
Từ cậu bé mồ côi cha trở thành người Anh hùng của dân tộc
PV: Được biết Đại tá đã xung phong tham gia chiến đấu khi mới 16 tuổi, điều gì đã khiến Đại tá đưa ra quyết định quan trọng như vậy?
Đại tá La Văn Cầu: Tại sao tôi tham gia bộ đội khi chỉ mới 16 tuổi? Tôi là một đứa trẻ mồ côi cha từ nhỏ. Trước đó thì cha tôi bị bắt đi làm phu cho thực dân Pháp, xây pháo đài ở Cao Bằng. Sau khi xây pháo đài trở về thì người cha chỉ còn da bọc xương. Tháng trước tháng sau thì cha tôi mất. Tôi căm thù thực dân Pháp ngút trời không thể nào tả xiết. Lúc đó tôi nói với vong linh cha tôi rằng: “Cha cứ tin tưởng ở con, con sẽ trả thù cho cha”. Và rồi, với lòng quyết tâm diệt giặc trước hết là vì báo thù cho cha, sau là vì giải phóng ách thống trị nô lệ của dân tộc, tôi đã xin vào đội chiến đấu.
Phóng viên (PV): Trở thành người chiến sĩ gương mẫu từ khi còn rất nhỏ, được tham gia nhiều trận chiến, nhưng có lẽ đến bây giờ trong Đại tá vẫn còn nhớ những hình ảnh, kỉ niệm hào hùng của trận chiến Đông Khê năm xưa?
Đại tá La Văn Cầu: Trận đánh Đông Khê nằm trong chiến dịch Biên giới Thu đông năm 1950. Đối với chúng tôi, trận này có ý nghĩa rất lớn bởi nó đánh dấu bước ngoặt quan trọng góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam. Hồi đó tôi là tiểu đội phó của Trung đoàn 174, có nhiệm vụ phá hàng rào dây thép gai đánh lô cốt đầu cầu.
Sau 3 ngày chiến đấu ác liệt (16 - 18/9/1950), tôi nhớ rõ vào 10 sáng ngày 18/9, Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209 đã thọc sâu chiếm Sở chỉ huy rồi hoàn toàn làm chủ phố Đông Khê. Quân dân vui như trẩy hội, rất phấn khởi. Sự quyết tâm tiêu diệt địch dâng cao đến mức bản thân tôi bị thương gãy cả cánh tay phải, hõm góc má phải, nhưng vẫn không ngừng chiến đấu cùng anh em chiến sỹ.
PV: Thưa Đại tá, nguồn động lực mãnh liệt nào tại giây phút ấy đã thôi thúc chàng trai trẻ La Văn Cầu quyết định nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay bị thương để có thể tiếp tục chiến đấu?
Đại tá La Văn Cầu: Tôi được phân công chỉ huy tổ bộc phá. Khi tiến đánh lô cốt thì cả tổ đều bị thương, không ngần ngại, tôi đã lao lên trước làn đạn của địch, bằng mọi giá phải hoàn thành nhiệm vụ của tổ bộc phá. Vượt qua hàng hào phòng ngự thứ ba của địch, tôi bị thương và ngất đi. Sau khi tỉnh dậy, thấy cánh tay phải bị đạn bắn gãy nát, gói bộc phá 12kg còn nguyên vẹn, vị trí này cách địch chừng 10m nữa, tôi gượng dậy băng lên nhưng cánh tay bị thương vướng lủng lẳng, đau đớn, rất khó vận động.
Nghĩ đến nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong lúc khí thế chiến đấu cao vời vợi, ngay lập tức tôi quay trở lại nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay phải và nhằm thẳng lô cốt địch xông lên lần nữa rồi nhét bộc phá vào lỗ châu mai. Về sau tôi được các bác sĩ, y tá tiêm cho thuốc giảm đau thì cũng đỡ phần nào, nhưng mà thực tế vẫn còn rất đau, đau lắm.
PV: Bên cạnh những giây phút chiến đấu căng thẳng với kẻ địch như thế, chắc chắn điều kiện sống thời bấy giờ cũng rất khó khăn, thiếu thốn, Đại tá có thể chia sẻ thêm về cuộc sống nơi chiến trường?
Đại tá La Văn Cầu: Bây giờ ngồi nhớ lại những năm tháng lịch sử đó, có thể nói, chúng tôi chiến đấu và chiến thắng quân thù đều có sự phục vụ của cơ quan, đơn vị hậu cần của Trung đoàn. Về mặt vật chất, chúng tôi được hậu phương tiếp tế chu đáo nên chỉ một lòng hướng tới nhiệm vụ quan trọng nhất của mình là chiến đấu và chiến thắng quân thù. Cái tâm của chúng tôi lúc đó tập trung cao nhất là giải phóng quê hương, giải phóng đất nước và giải phóng đồng bào khỏi sự kìm kẹp của thực dân Pháp.
Anh hùng Lao động La Văn Cầu thời trẻ (Ảnh tư liệu) |
Từ một “anh Cầu ra trận” hào hùng đến một cựu chiến binh giản dị khi về với thời bình
PV: Thưa Đại tá, sau khi trở về từ chiến trường với những thương tích đầy mình, Đại tá có khó khăn gì khi hòa nhập lại nhịp sống đời thường và sự đón nhận của gia đình với Đại tá như thế nào?
Đại tá La Văn Cầu: Lúc đó, gia đình tôi chỉ còn 2 người, là mẹ và tôi. Lúc tôi về mẹ tôi hạnh phúc lắm, không nghĩ là tôi còn sống trở về. Tôi nhớ trong Đại hội chiến sỹ thi đua lần I, có đồng chí đã thưa chuyện với Bác Hồ về hoàn cảnh gia đình tôi. Người xúc động nói với mẹ tôi rằng: “Người ta có đông con, cho con đi chiến đấu đã đành, còn mẹ Lục Thị Quý, thân sinh của cháu Cầu, chỉ có một con trai duy nhất, cũng động viên con đi chiến đấu, không ngại gian khổ, hy sinh. Vậy thì cuộc trường kỳ kháng chiến của chúng ta nhất định thắng lợi.”
Lúc đầy đủ cả hai tay làm đã khó rồi, bây giờ thiếu mất một tay thì còn khó hơn. Khó từ việc chăm sóc cá nhân đến học tập, lao động. Nhưng đối với một người chiến sĩ cách mạng thì đó không là gì cả. Tôi tự bảo mình, có khó khăn thì phải tự khắc phục. Tinh thần cách mạng trong tôi bao giờ cũng cao vời vợi chứ không bao giờ thấp hèn. Đất nước mình giải phóng rồi, tại sao mình phải buồn? Tôi phải tiếp tục phấn đấu để cho xứng đáng với Tổ quốc.
PV: Đại tá có thể gửi gắm một vài điều cho thế hệ trẻ ngày nay về tình yêu nước và ý chí tiếp bước trang lịch sử hào hùng của cha ông?
Đại tá La Văn Cầu: Đối với các bạn trẻ nước nhà, tôi rất tự hào. Các bạn không thua kém gì thiên hạ, luôn giương cao ngọn cờ độc lập, sẵn sàng đứng dậy đấu tranh chống bất công, bảo vệ cuộc sống của đồng bào, của nhân dân. Luôn luôn quyết chiến, quyết thắng chống quân xâm lược bảo vệ Tổ quốc.
Bây giờ, Tổ quốc ta đã hoàn toàn thống nhất, hoàn toàn độc lập, tôi nghĩ thế hệ trẻ bây giờ phải phát huy được tính làm chủ. Làm chủ bản thân để làm chủ Tổ quốc. Thêm nữa, các bạn trẻ cũng phải ra sức học tập, lao động, nâng cao trình độ mọi mặt và cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại tá về cuộc trò chuyện!