Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đại biểu Quốc hội: Sách giáo khoa có cần thiết quá chú trọng hình thức?

Thứ Sáu, 27/05/2022 15:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng, sách giáo dục không nhất thiết phải đẹp hình thức mà cần chú trọng về nội dung, giá trị sử dụng.

Những ngày gần đây, vấn đề giá sách giáo khoa tăng gấp 2-3 lần so với trước đây nhận được nhiều sự quan tâm của các phụ huynh và dư luận xã hội.

Theo công bố của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chẳng hạn một bộ SGK lớp 3 có giá từ 177.000 đồng đến 183.000 đồng. Bộ SGK lớp 10 từ 246.000 đồng đến 301.000 đồng, đều chưa bao gồm sách cho bộ môn tiếng Anh. Khi với cùng khối lớp, giá sách trước kia chỉ dao động từ 58.000 đồng đến 172.000 đồng.

Tại phiên họp tổ tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày (25/5), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, sở dĩ sách giáo khoa theo chương trình năm 2016 rẻ hơn là vì trước đây Nhà nước đã bỏ tiền cho các khâu như biên soạn, thẩm định sách. Còn các loại sách giáo khoa mới được biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn, quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm việc đó và kê khai giá với Bộ Tài chính. Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định, các sách theo bộ mới biên soạn là hoàn toàn dùng lại được chứ không phải là sách dùng một lần.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước nhận định, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn giải thích giá thành sách giáo khoa mới đắt hơn là đúng.

“Nếu vật liệu tốt, in đẹp, cách làm công phu thì rõ ràng giá thành sách phải cao hơn trước”, ông Lượng nói.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn sách giáo khoa có cần sử dụng vật liệu tốt, in đẹp quá hay không?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước. Ảnh: Thành Chung. 

Theo ông, làm sách giáo khoa cần phải tính đến tuổi thọ sách, đối tượng sử dụng nên cần cân nhắc chất lượng in, vật liệu cho phù hợp. Với giáo dục không nhất thiết phải đẹp hình thức mà cần chú trọng về nội dung, giá trị sử dụng. Tất cả phải tính toán phù hợp!

“Sách giáo khoa là sản phẩm thiết yếu, nên cần phải định giá cho phù hợp. Không thể vì lợi nhuận mà đẩy giá sách lên được. Do vậy, Nhà nước cần phải quản lý giá, định giá, thậm chí phải trợ giá…”, ông Lượng nêu quan điểm. Đồng thời cho biết việc cử tri băn khoăn về giá sách giáo khoa là đúng. Các bộ, ngành liên quan cần phải trả lời cho rõ, nếu để lâu sẽ gây hoài nghi trong dư luận.

Đại biểu cho biết thêm, 3 năm trước, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã có giám sát, báo cáo gửi đến các bộ, ngành về vấn đề sách giáo khoa. Qua đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính đã có đề xuất tăng cường quản lý giá sách.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng “giá sách như vậy trở thành gánh nặng với nhân dân, nhất là với những gia đình có nhiều con đi học, các hộ nghèo”.

Để giá sách giáo khoa không trở thành gánh nặng đối với nhiều hộ gia đình, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Nhà nước có chính sách trợ giá trong in sách giáo khoa. Bởi, theo ông, chọn sách để học rất khó, như một cậu sinh viên chưa chắc đã biết chọn cuốn nào cho phù hợp. Vì vậy, nếu cứ để như tình trạng hiện nay sẽ rất phí nguồn lực.

Bày tỏ băn khoăn với việc sách giáo khoa có thể sử dụng lại, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu vấn đề: “Năm nay, trường chọn bộ sách này, nhưng sang năm họ lại chọn bộ sách khác thì lớp học sinh sau có dùng lại được nữa hay không? Còn việc học sinh lớp trước giải luôn bài tập trong sách giáo khoa, thì các em sau này chưa làm đã biết hết kết quả rồi”. 

 Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Tây Ninh.

Ảnh: TH.

Theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Tây Ninh: “Nếu có điều kiện hơn thì sách vở có thể được thiết kế đẹp hơn, tuy nhiên không nên quá tập trung vào hình thức mà quan trọng chất lượng nội dung. Nếu có thể tiết giảm hình thức cuốn sách, đầu tư đến chất lượng, giảm giá thành cho phụ huynh, đặc biệt phụ huynh ở vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa để các em có thể tiếp cận tri thức là điều tốt nhất”.

Trước đó, thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị giám sát tối cao về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bởi đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận, nhằm đánh giá đầy đủ, kịp thời ưu điểm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, từ đó định hướng tiếp tục chỉ đạo đổi mới có hiệu quả trong những năm tiếp theo; đồng thời bảo đảm công bằng, khách quan, minh bạch, không ảnh hưởng xấu đến chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.../.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN