Đặc sản bánh “ha nàm căn” của người Chăm An Giang
(ĐCSVN) - Tỉnh An Giang hiện có 9 làng Chăm thuộc 9 xã, phường trên địa bàn, với khoảng 5 ngàn hộ dân, hơn 17 ngàn người, tập trung chủ yếu ở thị xã Tân Châu và huyện An Phú, một số ít là huyện Châu Phú, huyện Châu Thành và một làng nhỏ ở phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, đồng bào Chăm vẫn gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc riêng có, trong đó có văn hóa ẩm thực đã làm nên nét độc đáo của những làng Chăm vùng đầu nguồn Châu thổ Cửu Long.
Bánh “ha nàm căn” của đồng bào Chăm đạt yêu cầu có màu vàng mỡ gà, kích cỡ bằng lòng bàn tay, chóp nhọn, vỏ bánh giòn còn ruột bánh lại xốp, dai nhẹ. |
Nếu bánh ginraong laya (bánh củ gừng) được nhiều người nhắc tới bởi đây là bánh truyền thống dùng để dâng cúng lên tổ tiên và có mặt trong tất cả lễ hội quan trọng của đồng bào Chăm, thì món bánh “ha nàm căn” là món bánh dân dã, dễ tìm thấy ở bất cứ đâu, phù hợp với mọi du khách khi đến du lịch tại An Giang.
Bánh “ha nàm căn” làm không khó, chỉ với vài nguyên liệu đơn giản, sẵn có, cùng một chiếc bếp lửa và chảo nhôm dày là những những chiếc bánh “hà nàm căn” đã sẵn sàng ra lò. Nguyên liệu chính để làm ra bánh “ha nàm căn” gồm có bột mì, trứng vịt, mè rang, đường thốt nốt. An Giang được biết đến là xứ sở của cây thốt nốt, dường như nơi nào trong vùng cũng có cây thốt nốt vươn cao, nhưng thương hiệu đường thốt nốt trứ danh Bảy Núi ở huyện Tịnh Biên được bà con ưa chuộng sử dụng trong làm bánh hơn cả.
Lòng trắng và lòng đỏ trứng vịt được đánh nhanh và mạnh đến khi nổi, rồi thêm bột mì và đường thốt nốt vào trộn thật đều. Trong khi chờ bột nghỉ, người làm bánh sẽ chuẩn bị những chảo nhôm dày, đường kính khoảng 20cm trên bếp lửa nóng. Đồng thời, bên cạnh đó, cũng cần thêm một bếp than có nhiệm vụ làm nóng những nắp đất nung, những chiếc nắp này sẽ có tác dụng tạo hình chóp nhọn cho bánh và giúp bánh nóng giòn hơn.
Khi bột bánh sẵn sàng và những chiếc chảo nhôm nóng đều, người làm bánh phết một lớp dầu mỏng và đổ bột vào chảo. Đồng thời nhanh tay rắc một lớp mè rang để tăng thêm độ bùi, thơm cho bánh rồi đậy kín lại bằng chiếc nắp đất nung nhỏ. Sau khoảng 5 phút, kiểm tra độ chín của bánh bằng cách lấy xiên tre xiên vào giữa chiếc bánh, nếu bột còn dính xiên thì bánh chưa đạt yêu cầu, tiếp tục đậy nắp chờ thêm vài phút nữa. Nếu bánh có màu vàng mỡ gà, xiên thử thấy bột không dính thì bánh đã chín, người đầu bếp xúc bánh bày ra mâm.
Chỉ với vài nguyên liệu đơn giản, cùng chiếc bếp lửa và chảo nhôm dày là những những chiếc bánh “ha nàm căn” đã sẵn sàng ra lò. |
Chiếc bánh “ha nàm căn” có hình tròn, kích cỡ bằng lòng bàn tay, chóp nhọn theo núm nắp đất. Bánh mới ra lò, cắn thử một miếng, người ăn có thể cảm nhận được vỏ bánh nóng, giòn nhưng ruột bánh lại hơi xốp, dai nhẹ. Chiếc bánh có sự mềm của bột mì, béo của dầu thực vật, ngọt thanh của đường thốt nốt, bùi thơm của những hạt mè rang vàng, dễ ăn và không ngấy.
Những chiếc bánh Chăm “ha nàm căn” là món bánh dân dã khá rẻ tiền, phù hợp với mọi bà con, bánh có thể ăn mọi lúc trong ngày. Có người chọn ăn bánh cho buổi sáng, có người lại thích ăn bữa ngọt lúc xế chiều. Bánh “ha nàm căn” được chế biến đơn giản nhưng lại có mùi vị thơm ngon khó cưỡng. Đó là sự kết hợp giữa thơm bùi, giòn dai, lại xen lẫn mùi ngọt thanh, thơm nhẹ của đường thốt nốt vấn vương. Nếu một lần có dịp đặt chân đến An Giang, hẳn sẽ thấy món bánh này được bày bán rộng rãi ở nhiều nơi, phục vụ nhu cầu thưởng thức hằng ngày của người dân và khách du lịch./.