Đặc sản bánh củ gừng của người Chăm ở Ninh Thuận
(ĐCSVN) - Với người Chăm ở Ninh Thuận, món bánh củ gừng màu vàng ruộm, vị ngọt ngào, giòn tan tuy chế biến đơn giản nhưng lại đã làm nên một phần văn hoá tinh thần của đồng bào Chăm. Bánh củ gừng thường dùng để dâng cúng lên tổ tiên vào những dịp quan trọng trong năm với mong ước cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc.
Bánh củ gừng là món ăn không thể thiếu trong lễ hội của người Chăm. |
Bánh củ gừng làm không khó, nhưng phải tỉ mỉ và khéo léo. Để chế biến được bánh củ gừng, đồng bào Chăm dùng các nguyên liệu chính là bột nếp, gừng tươi, đường cùng chút men rượu. Chỉ với vài nguyên liệu đơn giản, sẵn có nhưng những người phụ nữ Chăm đã khéo léo làm ra chiếc bánh củ gừng độc đáo, chỉ có ở xứ sở tháp Chàm, Ninh Thuận.
Khâu chuẩn bị làm bánh đặc biệt quan trọng, bởi gạo để làm bánh ngon phải là gạo nếp thơm, hạt to, trắng đục và không bị gãy, vo sạch, để ráo rồi giã thật nhuyễn thành bột, sau đó đem phơi khô. Khi làm bánh củ gừng, người Chăm sẽ cho nước sôi vừa đủ vào trong bột để cho bánh dẻo và nặn dễ dàng hơn.
Lòng trắng và lòng đỏ trứng gà được đánh nhanh và mạnh đến khi nổi, rồi thêm bột nếp vào trộn thật dẻo. Lúc này, người làm bánh sẽ cho bột vào cối nhỏ giã nhuyễn rồi lấy lên từng nắm bột nhỏ và bắt đầu nặn.
Giai đoạn nặn bánh thể hiện sự tỉ mỉ và khéo léo cùng tình cảm của người làm bánh. Bánh củ gừng nặn thủ công hoàn toàn, tạo hình gần giống với củ gừng ở ngoài. Nhìn những chiếc bánh nhỏ xinh, nhánh ngọn ra đều, mịn bóng, lại nhìn những nụ cười của các cô, các chị sau mỗi chiến bánh hoàn thiện, mới thấy người Chăm nâng niu những chiếc bánh cổ truyền như thế nào.
Bánh củ gừng có hương vị ngọt ngào, hấp dẫn. |
Tranh thủ lúc này, các cô gái Chăm chuẩn bị nồi nhỏ để thắng đường nhúng bánh, đường và nước phải có tỉ lệ tương xứng để thành phẩm cho ra có màu cánh gián, có thể cho thêm vài lát gừng vào nồi nước đường để tạo hương thơm đặc trưng nơi vỏ bánh.
Bánh sau khi tạo hình như củ gừng sẽ được đem chiên ngập trong dầu với lửa vừa, sau khoảng 5 phút bánh sẽ nổi lên. Lúc này cần chú ý quan sát màu bánh cẩn thận, bánh có màu vàng đậm mới đạt tiêu chí cứng và giòn. Nếu bánh màu vàng nhạt hoặc sang vàng đen thì đều không đạt yêu cầu.
Muốn cho bánh củ gừng để lâu mà vẫn giữ được độ giòn, người ta cho bánh chín nóng vừa mới lấy ra từ chảo dầu, nhúng nhanh vào bát nước đường đã thắng giúp vỏ bánh bóng mịn và không bị cong. Cuối cùng gắp từng cái lên mâm phơi cho khô để tăng độ giòn cứng. Cách làm này giúp bánh củ gừng giữ được lâu hơn sau khi chế biến.
Theo phong tục Chăm, bánh củ gừng có mặt trong tất cả các lễ hội lớn và quan trọng từ xa xưa cho đến ngày nay. Đặc biệt nhất là trong các lễ cưới, lễ hội, tết Katê, bánh củ gừng bao giờ cũng đặt trên hết, cùng với bánh tét và bánh gang tay. Trong những ngày lễ trọng đại ấy, người ta ghim những chiếc bánh củ gừng vào các que tre, cắm xung quanh chiếc trụ tròn bằng gỗ hay đất sét trang trí hoa văn sặc sỡ bằng giấy màu rồi kính cẩn đặt trên bàn thờ tổ tiên.
Những chiếc bánh củ gừng được chế biến đơn giản nhưng lại có mùi vị thơm ngon khó cưỡng. Đó là sự kết hợp giữa thơm bùi, giòn ngọt, lại xen lẫn mùi gừng phảng phất nơi vỏ bánh. Có lẽ ở Ninh Thuận, thật hiếm có cô gái Chăm nào không biết làm món bánh cổ truyền này.
Trước đây, loại bánh này chỉ được người Chăm làm trong những dịp lễ quan trọng như lễ cưới hỏi, tết Katê, ngày Tết cổ truyền Việt Nam… Tuy nhiên ngày nay, món bánh này được phục vụ nhu cầu thưởng thức hằng ngày của người dân và khách du lịch nên được bày bán rộng rãi ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Với sự ưa thích của thực khách trong nước, đặc biệt là khách du lịch, món bánh này đã được làm phổ biến, trở thành quà tặng rất có ý nghĩa.