Đặc sắc nghệ thuật hát then của người Tày ở Bình Liêu
(ĐCSVN) - Hát then - đàn tính là Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Tày đã có từ lâu đời, loại hình nghệ thuật này đang phát triển mạnh, sử dụng khá phổ biến trong cuộc sống thường nhật của người Tày Bình Liêu. Nhờ đó mà hát then được bảo tồn và phát huy ở hầu hết các thôn bản nơi đây.
Hát then của người Tày ở Bình Liêu |
Để bảo tồn và phát huy giá trị hát then - đàn tính trong giai đoạn mới đến với công chúng, hát then như thế nào để không mất đi bản sắc văn hóa mà vẫn phù hợp với xã hội hiện đại đang là vấn đề cấp thiết đặt ra. Vì vậy, trong những năm qua, huyện Bình Liêu đã có những việc làm cụ thể như giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm cho Trung tâm Truyền thông và Văn hóa mở các lớp truyền dạy theo hướng đổi mới nội dung hoạt động, nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
Trung tâm Truyền thông và Văn hóa mở lớp truyền dạy hát then - đàn tính nâng cao cho các câu lạc bộ văn nghệ huyện Bình Liêu năm 2022 đã thu hút được trên 50 học viên tham gia lớp học, công tác truyền dạy do các Nghệ nhân Ưu tú Lương Thiêm Phú, Hoàng Thiêm Thành, Hoàng Thị Viên và các Nghệ sĩ Vùng mỏ Hà Thị Ngọc, Đặng Văn Sàu, Chu Văn Thủng giảng dạy. Các hình thức được truyền dạy tổng hợp hài hòa nhuần nhuyễn nhiều thể loại như trích đoạn then cổ (then tâm linh trong nghi lễ lảu then), then mới (then văn nghệ cải biên đặt lời mới dựa trên làn điệu then cổ). Ngoài ra, còn mở rộng truyền dạy hát then các vùng miền khác như then Việt Bắc, Cao Bằng, Lạng Sơn... và các điệu múa cơ bản trong diễn xướng then cổ (múa trầu, múa quạt, múa nón, múa đàn tính)...
Các hoạt động của câu lạc bộ văn nghệ là của những người có cùng sở thích, có cùng nhu cầu và nguyện vọng được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước, hoạt động mang tính xã hội, theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động, chịu sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nhà nước. Thành viên câu lạc bộ là những cộng tác viên thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn và cơ quan quản lý để cùng hoạt động vừa để thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và truyền dạy bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống hát then, đàn tính. Các thành viên đều tham gia sáng tác đặt lời mới cho các làn điệu then và tham gia biểu diễn tại các dịp lễ hội, tết, ngày kỷ niệm trọng đại của tỉnh, huyện và các hoạt động văn hóa của thôn, bản, khu phố.
Lan tỏa nghệ thuật hát then qua các lớp tập huấn |
Hiện nay, Bình Liêu có 6 câu lạc bộ văn nghệ cấp xã và 7 câu lạc bộ cấp thôn, khu. Trong đó, xã Hoành Mô có 3 câu lạc bộ thôn (thôn Pắc Pộc, Đồng Thanh, Đồng Mô), thị trấn Bình Liêu có 4 câu lạc bộ khu (Nà Kẻ, Nà Làng, Chang Nà, Chang Chiếm). Mỗi câu lạc bộ cấp xã có từ 20-30 hội viên; cấp thôn, khu có từ 15-20 hội viên tham gia sinh hoạt, thường xuyên tổ chức giao lưu biểu diễn, tham gia các hội thi, hội diễn, trao đổi học tập lẫn nhau. Qua đó, tạo không gian văn hóa lành mạnh đáp ứng nhu cầu vui chơi, hưởng thụ văn hóa của bà con nhân dân, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Có thể nói rằng, từ hoạt động thực tế của các câu lạc bộ văn nghệ ở Bình Liêu trong những năm qua, đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở, bảo tồn và phát huy giá trị hát then - đàn tính truyền thống, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức các tiết mục nghệ thuật độc đáo, phong phú, đa dạng theo từng dòng then khác nhau, mang đậm nét riêng của người Tày Bình Liêu.
Tính tới nay, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ là học sinh được 3 lớp ở các trường trung học cơ sở, tiểu học, phổ thông dân tộc nội trú đưa vào chương trình cụ thể trong sinh hoạt ngoại khóa, đưa nội dung hát then, đàn tính vào giảng dạy để giới thiệu và khẳng định giá trị then. Sự kết hợp hài hoà, tinh tế giữa âm nhạc với ca từ và những màn múa dân gian đã tạo nên các giá trị văn hoá độc đáo, phong phú, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đáp ứng gắn với phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay.