Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đặc sắc Lễ hội Chá Mùn của người Thái tỉnh Thanh Hoá

Thứ Hai, 17/04/2023 17:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Lễ hội Chá Mùn là một nét đẹp sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của dân tộc Thái với ước mong được thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sinh sôi, tươi tốt, sức khỏe dồi dào, bản làng yên vui.

Trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2023, ngày 16/4, tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào Thái tỉnh Thanh Hóa tổ chức tái hiện Lễ hội Chá Mùn.

Lễ Chá Mùn là lễ tục cầu mùa, cầu phúc của người Thái đen. Qua lễ hội này, người dân sẽ gửi gắm những ước vọng lớn lao về cuộc sống bình yên, no ấm, đồng thời là dịp để mọi người giao lưu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vun đắp nên những nét đẹp trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng, cũng như lối ứng xử thân thiện, mến khách, tạo nên một sắc thái văn hóa đặc sắc.

Thầy Lang thực hiện nghi lễ cúng tế thần linh.

Theo tương truyền của người Thái đen, từ xa xưa con người ở trần gian (Mường Lúm) bị dịch bệnh, không phương thuốc cứu chữa, tổ tông người Thái đen đã cử người lên Mường trời cầu cứu. Pó Then (ông Then - một tên gọi trừu tượng, người cai quản Mường trời, một Mường có cuộc sống hạnh phúc vô biên), có đầy đủ mọi tài năng tạo ra đất, ra nước và muôn loài, trong đó có loài người.

Người Thái đen quan niệm, người trần gian không có phương sách nào khác để thoát khỏi ám hại của ma tà, dịch bệnh nên phải lên cầu cứu Pó Then. Pó Then đồng ý và ra lệnh cho quân mở cổng trời thả xuống trần gian một sợi lụa dẫn đường cho quân lính đi voi ngựa xuống giúp trần gian diệt trừ ma tà, chữa trị bệnh cứu người.

Con người ở Mường Lúm được Pó Then cứu sống, tổ tông người Thái đen đã cử những người có khả năng hành nghề lần theo sợi lụa lên Mường trời tạ ơn và học bí quyết. Khi đoàn người Mường Lúm (mo Mùn) đến Mường trời, Pó Then đã đồng ý và truyền những bí quyết, phương thuốc chữa trị.

Theo lời hứa, mỗi mo Mùn khi đã hành nghề từ 3 đến 5 năm trở lên, đủ 120 pan khai (mâm cúng) tương ứng với 120 lượt cúng và chữa trị bệnh thì phải tạ ơn Pó Then, đồng thời cũng giải hạn cho việc hành nghề của mình.

Lễ hội Chá Mùn là dịp để đồng bào các dân tộc cùng hội tụ giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, khơi dậy niềm tự hào truyền thống văn hóa, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Hằng năm, vào tháng 9, tháng 10 (âm lịch), mo chủ loan báo đến các Lúc May (người bệnh) được mo Mùn cứu chữa chuẩn bị đồ lễ để góp vào lễ hội tại gia đình mo chủ. Lúc này, Mo chủ mời từ 4 đến 6 người là các mo Mùn cùng hành nghề đến tổ chức lễ hội.

Trung tâm của lễ hội là cây bông (gọi là Bọoc mạy). Trên cây bông trưng bày đủ loài hoa, chim muông, cá, ếch, voi, ngựa, thuyền bè và được đặt ở gian chính ngôi nhà sàn Mo chủ. Gần cây bông đặt 2 vò rượu cần, một vò cắm 4 cần dành cho Mo chủ mời ông Then, một chĩnh 8 cần mời khách đến dự lễ hội.

Một mâm cúng chính (gọi là Pan thôn) đặt gần cửa sổ gian giữa ngôi nhà với ý nghĩa mời Pó Then và linh hồn các thế hệ Mo mùn đi trước đến chứng giám và phù hộ cho lễ hội. 30 mâm phụ (gọi là Pan bán - mâm ngọt) được đan bằng tre, nứa bày các loại hoa quả như chuối, mía, khoai lang, khoai sọ, cá nướng, xôi năm và một chai rượu kèm 30 chén cho 30 mâm được đặt trên nhà sàn với ý nghĩa tiếp đoàn tháp tùng Pó Then từ Mường trời xuống trần gian dự lễ hội Chá Mùn.

Lễ hội gồm nghi lễ mời ông Then trên trời và linh hồn các thầy Mo đã quá cố về dự lễ hội; gọi vía người bệnh và mọi người về tham gia lễ hội; đón người cai quản địa phương và khách tham dự lễ hội; tổ chức các trò chơi, trò diễn và cuối cùng là tiễn Pó Then, các linh hồn mo Mùn trở về Mường trời, chia tay lễ hội và hẹn mùa lễ hội sau.

Lễ hội Chá Mùn là một trong những lễ hội dân gian, văn hóa tín ngưỡng của người Thái đen. Lễ hội là nơi mọi người trong bản, trong mường đoàn kết, vui tươi, phấn khởi với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chiêm ngưỡng cây bông, chuẩn bị cho tinh thần để đón chào một mùa xuân mới. Đối với các mo Mùn, lễ hội là dịp để tổng kết quá trình hành nghề 3 năm hái thuốc và chữa trị bệnh.

Trong Chá Mùn chứa đựng cả văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể. Văn hóa phi vật thể toát lên từ các câu từ, âm nhạc, điệu múa, phản ánh sự tương tác giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Giá trị văn hóa vật thể trong Chá Mùn, làm người xem khâm phục sự khéo tay của các nghệ nhân người Thái đã đan kết nên hình các loại vật, gọt tạo các loài hoa trang trí trên cây bông của lễ hội.

Thông qua Lễ hội Chá Mùn người dân sẽ gửi gắm những ước vọng lớn lao về cuộc sống bình yên, no ấm, đồng thời là dịp để mọi người giao lưu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vun đắp nên những nét đẹp trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng, cũng như lối ứng xử thân thiện, mến khách, tạo nên một sắc thái văn hóa đặc sắc.

Lễ hội Chá Mùn còn là dịp để đồng bào các dân tộc cùng hội tụ giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, khơi dậy niềm tự hào truyền thống văn hóa, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

T.H

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN