Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đặc điểm dân cư và thành phần dân tộc- Cơ sở để phát triển nguồn nhân lưc cho Đắk Lắk

Thứ Sáu, 11/10/2024 16:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đắk Lắk là 1 trong 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, có dân cư đông và đa dạng các tộc người. Điều này cho thấy, ở góc độ nguồn nhân lực thì Đắk Lắk có lợi thế, điều kiện nội sinh để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho sự nghiệp phát triển địa phương.

Lực lượng chức năng đến các buôn làng để giúp đồng bào làm căn cước công dân. 

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III viết trong sách “Văn hoá Ê đê truyền thống và biến đổi” (NXB Đà Nẵng, 2007) thì trước đây Đắk Lắk là tỉnh có dân cư thưa thớt và phân bố không đều giữa các vùng. Trong thời kỳ thực dân Pháp thống trị, H. Bernard ước đoán có khoảng 80.000 người, trong đó có 4.000 người Ê đê và 20.000 người M’nông. Năm 1930, A. Monfleur dự tính có khoảng 150.000 người. Khoảng năm 1943-1944, Bác sĩ B.Y. Jouin kết hợp với đợt tiêm chủng của cả tỉnh đã tiến hành thống kê dân số và đưa ra con số là  79.362 người gồm 58.473 người Ê đê, 3.249 người Giarai, 17.496 người Ba na.

Vào những năm sau, nhiều nguồn tư liệu cho biết dân số Đắk Lắk như sau: Năm 1945 có khoảng 100.000 người, năm 1975 có khoảng 380.000 người và đến năm 1979 dân địa phương này đã lên tới gần 50 vạn người, với trên 30 dân tộc, trong đó có những dân tộc có số lượng khá đông như Ê đê 129.081 người, M’nông 36.177 người,  Gia rai 6.117 người và khoảng  290.936 người Việt.

Sau ngày giải phóng đất nước (1975), sự phân bố dân cư ở Đắk Lắk có nhiều thay đổi. Do nhu cầu xã hội là công cuộc xây dựng XHCN mà lực lượng lao động ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung được chuyển vào Đắk Lắk ngày càng nhiều. Năm 1976 dân số toàn tỉnh là 392.197 người, đến năm 1979 gần 500.000 người, mật độ dân cư năm 1979 là 26 người/km vuông. Đặc biệt, Đắk Lắk là nơi có sự di dân cao nhất. Tính đến năm 1999 dân số Đắk Lắk tăng lên 1,78 triệu người với 80% là cư dân nông thôn, mật độ dân cư là 95 người/km vuông. Tuy nhiên, tình hình dân số Đắk Lắk vẫn còn tăng, đến năm 2000 khoảng 1,9 triệu người. 

Bên cạnh dân số lớn, các dân tộc ở Đắk Lắk có đặc điểm cư trú tập trung theo địa bàn của mỗi tộc người. Trong đó dân tộc Ê đê cư trú ở vùng trung tâm, vùng Bắc và Đông Bắc bao gồm TP Buôn Ma Thuột, các huyện Krông Păk, Krông Buk, M’drăk, Ea Sup, Ea H’leo, Ea Kar, Cư M’ga… Người M’nông sinh sống chủ yếu tại miền Tây Nam ỉnh thuôc các huyện Lăk, Đắk Nông trước đây, Đắk R’lấp… Người Gia rai, Ba na, Xơ đăng tập grung vùng giáp giới tỉnh Gia Lai. Người Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao, Cao Lan, Sán Chỉ, H’nông… thì ở thành cụm nhỏ rải rác trên nhiều địa bàn trong tỉnh. Riêng người Việt thì có mặt ở hầu hết các vùng.

Hiện nay Đắk Lắk có 42 dân tộc cùng chung sống với những truyền thống, bản sắc riêng đã tạo nên một bức tranh phong phú về văn hoá tộc người, trong đó nét nổi bật, đặc thù là bản sắc văn hoá của các dân tộc bản địa lâu đời như Ê đê, M’nông.

 Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc các dân tộc ở Đắk Lắk luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Về thành phần dân tộc tại Đắk Lắk, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà cho rằng vô cùng phong phú và đa dạng. Đồng thời dẫn số liệu thống kê năm 1976: Trong tổng số 382.197 người sống ở Đắk Lắk thì người Việt chiếm 51% dân số, còn lại là các dân tộc ít người. Các dân tộc đó gồm: Ê đê 116.499 người, M’nông 35.550 người, Gia rai 6.752 người, Xê đăng  5.743 người, Mạ 2.363 người, Khơ me 113 người, Ba na 66 người, , Chu ru 10 người, Raglai 15 người… Các dân tộc mới di cư đến như Vân Kiều 4.563 người, Dao 3.134 người, Mường 3.130 người, Hoa 2.000 người, Thái 637 người, Tày 536 người, Nùng 519 người. Ngoài ra, còn một số dân tộc khác như Bih, Bulay, Chăm…. cũng được thống kê nhưng chưa thật chính xác vì trước đây khi điều tra không có sự tham gia của các nhà dân tộc học, vì vậy luôn có sự lẫn lộn giữa tộc người này với tộc người kia. Ví dụ, người Bih, người Mthur có khi được gọi là những tộc người riêng biệt nhưng có khi lại cho là người Ê đê hoặc người M’nông, Gia rai. Sự phức tạp này còn có nguyên nhân từ những yếu tố ngôn ngữ, lối sống, quá trình thiên di, sự giao lưu văn hoá hoặc phân chia bộ lạc. Ở phía bắc Đắk Lắk, nơi cộng cư của người Ê đê và Gia rai, người ta khó phân biệt được những hiện tượng văn hoá giữa hai dân tộc. Cũng như vậy, ở phía nam, nơi người Ê đê và M’nông cộng cư, sự ảnh hưởng, thâm nhập, giao thoa văn hoá một cách sâu sắc của hai dân tộc đã làm cho các hiện tượng văn hoá ở đây có những nét tương đồng. Một số tên họ thấy có ở cả hai dân tộc và truyền thuyết giải thích về các dòng họ này cũng giống nhau. Những người cùng tên họ, tuy là ở hai dân tộc nhưng vẫn được coi là anh em, không được có quan hệ hôn nhân với nhau. Đó là những trường hợp của hai nhóm Bih và Mthur được xem là bộ phận của dân tộc Ê đê. Điều đặc biệt là để phân biệt hai nhóm này với các dân tộc lớn như M’nông, Ê đê, Gia rai người ta phải căn cứ vào sự khác biệt đôi chút của văn hoá vật chất như nhà cửa, trang phục,  trang trí… chứ không phải căn cứ vào văn hoá xã hội và văn hoá tinh thần như quan hệ hôn nhân, phong tục tập quán, vưn hoá nghệ thuật. Chẳng hạn nhà ở của nhóm Ê đê Kpă- Nhóm đông nhất ở Đắk Lắk thường to và dài hơn các nhóm khác, quần áo giữa các nhóm chỉ khác nhau về kích thước và trang trí. Trong đời sống tinh thần của các nhóm ngoài những yếu tố văn hoá mang tính địa phương, các yếu tố văn hoá chung như là truyền thống, tâm thức vẫn giữ được một cách khá nổi bật. Cụ thể là họ đều có chung những vị thần, có chung những trường ca, đặc biệt là trường ca Đăm San.

Trên cơ sở phân tích trên, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà khẳng định: Nhìn chung, thành phần dân tộc ở Đắk Lắk khá đa dạng và còn nhiều biến động do tác động của đời sống kinh tế và quá trình tộc người luôn luôn diễn ra. Tuy nhiên hai tộc Ê đê và M’nông là hai dân tộc bản địa chủ yếu, có vai trò, vị trí quyết định làm nên bản sắc Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung.

Do đó, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc các dân tộc ở Đắk Lắk luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng; đồng thời qua đó để tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển, xây dựng nguồn nhân lực ngày càng cao, góp phần phát triển địa phương và vùng Tây Nguyên trong những năm tới./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN