Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cùng tháo gỡ khó khăn, quyết tâm thực hiện con đường hầm xuyên núi Cả

Thứ Năm, 04/05/2023 14:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Hơn 10 năm trước, hạ tầng giao thông còn yếu kém, ngân sách còn khó khăn, nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông rất hạn chế. Để góp phần cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông nước nhà, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã cùng Nhà nước nâng cấp, cải tạo, xây mới nhiều tuyến đường, cây cầu, hầm đường bộ xuyên núi… thông qua phương thức PPP.

Hầm đèo Cù Mông là một hạng mục thuộc dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả. (Ảnh: ĐC) 

Trong giai đoạn 2003 – 2010, ngân sách để đầu tư hạ tầng giao thông chủ yếu sử dụng vốn vay ODA nhưng cũng bắt đầu bị hạn chế, vốn vay từ ngân hàng trong nước thì lãi suất rất cao, còn nguồn từ vốn ngân sách nhà nước là rất ít. Bên cạnh đó, việc đào hầm xuyên núi thời điểm này ở Việt Nam vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào con người, máy móc thiết bị, công nghệ của nước ngoài… Tuy nhiên, từ suy nghĩ có cơ sở, có căn cứ khoa học, được cân nhắc kỹ lưỡng cùng với việc tham vấn nhiều cố vấn, chuyên gia, nhà khoa học, ông Hồ Minh Hoàng (bây giờ là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả) đã quyết tâm thực hiện con đường hầm xuyên núi Cả.

Năm 2010 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, tới năm 2012 khởi công xây dựng và đến năm 2017 thì hầm Đèo Cả hoàn thành đưa vào khai thác, xóa điểm đen về tai nạn, các phương tiện lưu thông qua hầm nhanh chóng (chỉ hơn 10 phút đi qua hầm thay vì mất 45 phút đi đường đèo như trước), thuận lợi và an toàn.

Dự án hoàn thành vượt kế hoạch 4 tháng, đảm bảo an toàn tuyệt đối, đặc biệt do được tối ưu quy mô và hướng tuyến nên đã tiết giảm được gần 4.000 tỷ đồng (trong tổng số hơn 15.000 tỷ tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu) để làm thêm hầm Cù Mông.

Đến nay, toàn bộ các công trình thuộc Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân) đã được hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm khai thác an toàn, chất lượng theo đúng Hợp đồng đã ký, phát huy hiệu quả đầu tư, đảm bảo an toàn giao thông, tiết kiệm chi phí đi lại, đem lại lợi ích kinh tế xã hội cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Tuy nhiên, quá trình giải ngân gặp vướng mắc cùng với một số thay đổi về chính sách đã khiến nhà đầu tư gặp phải nhiều khó khăn. Trước tình trạng trên, tháng 3/2023, Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ KHĐT về vấn đề nguồn vốn nhà nước hỗ trợ dự án hầm Đèo Cả. Bộ này khẳng định, việc bố trí vốn nhà nước (1.180 tỷ đồng) tham gia, hỗ trợ dự án phù hợp với quy định của pháp luật, các Nghị quyết của Quốc hội; phù hợp với chủ trương bố trí vốn nhà nước được Thủ tướng Chính phủ thông qua và thực hiện cam kết của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Hợp đồng dự án; bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo niềm tin, môi trường thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra. Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ KHĐT thực hiện thủ tục giao vốn nhà nước (1.180 tỷ đồng) đã được bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để giải ngân cho Dự án, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Thực tế cho thấy, hiệu quả mà nhà đầu tư tư nhân tham gia đóng góp cho sự phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia trong thời gian qua là không hề nhỏ, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông. Với tinh thần "lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ", các cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo ra môi trường đầu tư công bằng để thu hút các nhà đầu tư tham gia cung cấp dịch vụ công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ./.

Mai Huế

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN