Cử tri đặt nhiều kỳ vọng vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV
(ĐCSVN) - Tin tưởng và kỳ vọng là tâm trạng của nhiều cử tri trước thềm Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng hôm nay 22/5. Đây là kỳ họp giữa năm, diễn ra ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XII kết thúc với việc ban hành 3 Nghị quyết quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xem xét xử lý cán bộ.
Đông đảo cử tri và nhân dân cho rằng: Việc phát hiện, xử lý kỷ luật đối với nhiều cán bộ công chức, trong đó có cả các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã thể hiện quyết tâm và trách nhiệm rất lớn của Đảng, Nhà nước trước nhân dân. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra và đưa ra xét xử. Nhiều sai phạm trong công tác cán bộ đã được kết luận và xử lý nghiêm minh.
Cử tri Nguyễn Tín Nguyên (82 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) hy vọng kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ bàn những vấn đề nóng, bức xúc trong dư luận thời gian qua như: môi trường, việc làm, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp…và đặc biệt là công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Cử tri Nguyễn Tín Nguyên nhấn mạnh: “Tôi cho rằng chúng ta đang triển khai phòng, chống tham nhũng khá tốt, việc phát hiện, xử lý kỷ luật đối với nhiều cán bộ công chức, trong đó có cả các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao đã thể hiện quyết tâm và trách nhiệm rất lớn của Đảng, Nhà nước trước nhân dân. Cụ thể, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra và đưa ra xét xử; nhiều sai phạm trong công tác cán bộ đã được kết luận và xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, phòng, chống tham nhũng là cả một câu chuyện mà chúng ta không thể giải quyết “ngày một, ngày hai”, vì vậy tôi mong Quốc hội kì này sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, nhất là các luật liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, với những vụ việc lớn, bức xúc của đất nước, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cần “truy” đến tận cùng để làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Tôi đề nghị trong dịp này, lãnh đạo Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành cần có quyết tâm chính trị rõ ràng, cụ thể trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng chứ không chỉ dừng lại ở việc nêu khẩu hiệu, hứa chung chung. Có như vậy, chúng ta mới từng bước làm sạch bộ máy chính quyền để hướng tới những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới”.
Đồng tình với ý kiến trên, cử tri Phạm Tất Thắng (tỉnh Yên Bái) bày tỏ sự phấn khởi trước quyết tâm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước song cho rằng việc xem xét, phát hiện, xử lý cán bộ cần tiếp tục và làm liên tục, không để đến lúc sai phạm rồi mới kỷ luật. Cử tri cũng mong muốn Ban Bí thư cũng như Quốc hội cần kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra thường xuyên liên tục để xây dựng những cán bộ có đủ tố chất, phong cách, đạo đức làm việc vì dân.
Cùng với đó, cử tri Thắng cũng nêu quan điểm: Thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra và đưa ra xét xử. Nhiều sai phạm trong công tác cán bộ đã được kết luận và xử lý nghiêm minh. Hoan nghênh các cấp, các ngành đã triển khai quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng, tuy nhiên, cử tri cho rằng, việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng còn chậm. Việc làm rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, nhất là đối với người đứng đầu trong công tác quản lý đầu tư một số dự án lớn để thua lỗ, làm thất thoát lớn ngân sách nhà nước chưa được kịp thời.
Với những nhận xét trên, cử tri Thắng mong muốn những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức ở các cấp phải thể hiện quyết tâm bằng những hành động cụ thể, kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, đảng viên vi phạm. Cử tri hy vọng những vấn đề lớn của đất nước ở kỳ họp này sẽ được đặt ra và giải quyết từng bước có hiệu quả.
Là một người rất quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, cử tri Đỗ Thị Thanh Nga (Thủ Dầu Một, Bình Dương) rất bức xúc với thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang diễn ra hiện nay. Cử tri thấy bất an khi sử dụng thực phẩm hàng ngày.
“Bây giờ không biết ăn gì, uống gì, không ăn không được, ăn để sống thì mình lại phó mặc cuộc sống cho thực phẩm bẩn. Việc sử dụng những hóa chất độc hại trong nuôi, trồng, chế biến thực phẩm đã tạo ra những sản phẩm không an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nhiều ngành, nhiều cấp quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng chưa thực thi đầy đủ trách nhiệm của mình, nhất là người đứng đầu. Sự chồng chéo và thiếu phối hợp đã dẫn đến tình trạng khi có những vụ việc xảy ra, cơ quan nào cũng khẳng định đã làm đúng quy trình và cuối cùng không quy được trách nhiệm”, cử tri bày tỏ.
Cử tri cho rằng, để xảy ra thực trạng này có nguyên nhân không nhỏ từ quản lý nhà nước và xử phạt hành chính chưa nghiêm, nếu làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước và tăng cường hiệu quả xử lý hành chính thì sẽ góp phần hạn chế đáng kể tình trạng này.
Cử tri kỳ vọng vào Kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục chất vấn các Bộ, ngành liên quan để đánh giá đúng thực trạng về an toàn vệ sinh thực phẩm, chỉ rõ nguyên nhân, đề cao trách nhiệm của Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có liên quan cũng như nâng cao trách nhiệm, nhận thức của người sản xuất trong việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, góp phần giữ gìn và nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Cử tri Nga mong mỏi Quốc hội kiến nghị để Chính phủ có giải pháp mạnh, quyết liệt hơn, có lộ trình đẩy lùi và tiến tới đảm bảo một hệ thống thực phẩm an toàn cung cấp cho nhân dân, đặc biệt là góp phần củng cố lòng tin trong nhân dân về một xã hội an toàn trong mọi lĩnh vực.
Là một doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực đồ gia dụng, cử tri Nguyễn Văn Long (Hải Dương) bày tỏ kỳ vọng lớn đối với kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV khi các đại biểu sẽ xem xét và thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo cử tri Long, Luật sẽ là một cú hích quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh sự cạnh tranh trên thị trường đang ngày càng quyết liệt.
“Tôi cho rằng cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ngày càng đóng góp quan trọng trong nền kinh tế cũng như tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, đó là chưa kể số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số lượng lớn tại Việt Nam. Chính vì vậy, nếu Luật được Quốc hội xem xét và thông qua thì đây sẽ là một tín hiệu đáng mừng với chúng tôi. Thêm vào đó, Luật sẽ trở thành hành lang pháp lý quan trọng để Chính phủ có nhiều hỗ trợ ưu đãi hơn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua những cơ chế, chính sách phù hợp để doanh nghiệp có thêm vốn, máy móc, trang thiết bị hiện đại, thị trường tiêu thụ… Từ đây, các doanh nghiệp có thêm sức mạnh để cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước”, cử tri mong muốn.
Bên cạnh nội dung liên quan đến quyền lợi của doanh nghiệp, cử tri Nguyễn Văn Long cũng bày tỏ sự mong đợi vào nội dung chất vấn và trả lời chất vấn được tường thuật trực tiếp trên truyền hình. “Cũng như đa số cử tri trong cả nước, tôi rất mong chờ phần chất vấn và trả lời chất vấn, bởi lẽ thông qua nội dung này những đề đạt của cử tri sẽ được đưa lên diễn đàn Quốc hội để các Bộ trưởng, trưởng ngành và cả lãnh đạo Chính phủ trả lời. Theo tôi đây là lúc để các đại biểu Quốc hội phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình đối với không chỉ cử tri mà còn với sự phát triển chung của đất nước”, cử tri nêu ý kiến.
Theo đánh giá của nhiều cử tri Hà Nội, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm vẫn gặp khó khăn. Câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn tiếp tục tái diễn, tình trạng giá thịt lợn trong nước giảm sâu, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Cử tri Nguyễn Thị Hương (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mong muốn Quốc hội kiến nghị, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan sớm có các giải pháp căn cơ, lâu dài để khắc phục tình trạng này.
Cử tri Hương chia sẻ: “Qua các phương tiện truyền thông, chúng tôi được biết, thời gian vừa qua, tình trạng thịt lợn dư thừa, rớt giá liên tục khiến cho người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã có nhiều văn bản chỉ đạo cũng như đưa ra nhiều giải pháp nhằm giải cứu thịt lợn, ổn định tình hình chăn nuôi. Tuy nhiên, những giải pháp được đưa ra thời gian qua chỉ là tạm thời, chưa giải quyết được tận gốc vấn đề, khiến người chăn nuôi vẫn bị thiệt thòi”.
Trước thực trạng trên, cử tri cảm thấy rất buồn khi chúng ta quanh năm phải giải cứu nông nghiệp. Hết giải cứu dưa hấu rồi đến giải cứu thịt lợn... Những giải pháp các Bộ, ngành đưa ra hiện nay không có tác động quá nhiều đến người nông dân. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn sẽ là những đối tượng hưởng lợi chủ yếu. Đặc biệt, một nghịch lý tồn tại lâu nay là người chăn nuôi bán lợn hơi cho thương lái với giá rẻ từ 27.000 - 28.000 đồng nhưng giá trong siêu thị vẫn đắt gấp 3, gấp 4 lần.
Trong khi người nông dân “điêu đứng” vì thịt lợn rớt giá thì các cơ quan liên quan chưa có những động thái kịp thời. Nếu nhà nước không có giải pháp căn cơ thì người chăn nuôi sẽ phá sản, đóng chuồng.
Trước thực trạng trên chúng tôi mong rằng tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội sẽ là những người đại diện cho tiếng nói của người dân để có những kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương có những giải pháp để giải cứu không chỉ cho thịt lợn đang rớt giá hiện nay mà giải cứu được cho nhiều sản phẩm nông nghiệp khác nữa.
"Giải cứu thịt lợn là giải cứu cho nông dân, giải cứu nền nông nghiệp, nền kinh tế và giải cứu cho chính chúng ta. Vì nông nghiệp là gốc của nền kinh tế. Đây là một trong những vấn đề nóng mà chúng tôi hi vọng rằng tại kỳ họp này Quốc hội, Chính phủ sẽ có giải pháp triệt để", cử tri Hương chia sẻ.
Ngoài những vấn đề nêu trên, các cử tri cũng đang rất quan tâm đến vấn đề quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nhất là tình trạng “cát tặc” vẫn diễn ra như thách thức chính quyền. Tình trạng ô nhiễm từ nước thải nhà máy, khu công nghiệp vẫn đang hàng ngày hàng giờ tác động tiêu cực đến môi trường sống của nhiều khu dân cư. Các cử tri cũng bày tỏ sự lo lắng về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội; tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, nhất là sản xuất và nhập lậu thực phẩm không bảo đảm an toàn vẫn diễn biến phức tạp.
Cử tri mong muốn đại biểu Quốc hội tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm, bản lĩnh và năng lực của mình, tích cực tham gia đóng góp ý kiến nhằm chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri đến diễn đàn Quốc hội. Có như vậy, Quốc hội mới thật sự gần dân, sát dân, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của đất nước./.