Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cư Ni: Những bước tiến vững chắc, toàn diện

Thứ Tư, 25/12/2024 14:50 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Cùng với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, Đảng bộ xã Cư Ni, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk chú trọng lãnh đạo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.

Nuôi cá là nghề mới ở Cư Ni mang lại thu nhập cao cho người dân. 

Chánh Văn phòng Huyện ủy Ea Kar Phan Trọng Hùng tâm sự, là một xã trước đây được xem là vùng khó, người dân vất vả mưu sinh, kiếm sống thì nay ngay trên chính mảnh đất này, bà con các dân tộc xã Cư Ni đã có thu nhập ổn định, nhiều hộ khá giả, kinh tế phát triển khá nhanh, toàn diện.

 Nằm sát trung tâm huyện Ea Kar, xã Cư Ni được thành lập năm 1989, có diện tích tự nhiên 5820ha, dân số hơn 20.000 người với trên 75% dân số làm nông nghiệp. Một thời chưa xa, khi nhắc đến đất này, người ta nghĩ ngay đến sự nghèo khó; người dân quanh năm phải oằn mình lo miếng cơm manh áo mà nghèo đói đeo bám mãi; cứ quanh quẩn rẫy nương, mùa nối mùa đắp đổi mưu sinh mà cái nghèo đằng đẵng không dứt ra được.

Ông Đào Xuân Long, nguyên Chủ tịch UBND xã tâm sự, hẳn muôn người trên đất khó Cư Ni còn hằn trong ký ức những năm tháng sinh tồn lo miếng ăn qua ngày, nhớ lúc vượt núi khe ngược xuôi kiếm kế sinh nhai và cả những tháng ngày chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt…

Bắt nhịp cùng dòng chảy đổi mới, nhất là sau gần một nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2020-2025), đội ngũ lãnh đạo ở đây đã lo trước nghĩ sau, bám sát chỉ đạo của huyện, tỉnh, vận dụng thực tiễn tìm đường hướng, cách làm với quyết tâm, vượt khó để dựng xây, kiến thiết quê hương.

Những ai đã đến Cư Ni vài năm trước đây, nay có dịp trở lại đều dễ dàng nhận thấy sự đổi thay nhanh chóng, toàn diện nơi vùng đất khó ngày xưa. Ấn tượng nhất là kinh tế tăng trưởng, hạ tầng kết nối, nông thôn khởi sắc. Đảng bộ và hệ thống chính trị biết kiến tạo, linh hoạt, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển; khơi thông, tháo gỡ những “điểm nghẽn”, nút thắt, đi lên trong tâm thế vững vàng, tự tin.

Bí thư Đảng ủy xã Cư Ni Nguyễn Thành Trung khẳng định: “Dù còn những lực cản nhất định trên bước đường đi tới nhưng Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc Cư Ni không cam chịu nghèo khó, chủ động, sáng tạo, cố kết cộng đồng, đoàn kết để khi gặp chướng ngại biết cách vượt qua, gặp hoạn nạn thì cùng sẻ chia, đùm bọc”. Bởi thế, từ trong gian khó, những người dân bản địa cùng với người dân từ muôn phương về lập nghiệp nắm chặt tay, xốc lại đội ngũ, cùng nhìn về một hướng, xây đời sống mới.

Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Cư Ni cho thấy tinh thần, khả năng chủ động, tích cực, biết làm, gặt hái những giá trị tích cực, thực chất, tiến những bước vững chắc trên chặng đường phát triển, hội nhập. Những thành tựu đạt được thời gian qua có dấu ấn đậm nét về vai trò của Ban Chấp hành Đảng bộ, lãnh đạo chủ chốt trong đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn từ chủ trương tới hành động, vun đắp và nuôi dưỡng tâm huyết, khát vọng vươn tới không ngừng.

Người dân xã Cư Ni hướng tới nâng cao chất lượng sầu riêng. 

Theo Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhữ Đình Tuyến, kinh tế của xã duy trì tốc độ tăng trưởng khá, nhất là xây dựng Nông thôn mới được triển khai đồng bộ. Đến nay, 100% tuyến đường trục xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường trục thôn, buôn được cứng hóa; 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu nước chủ động; 100% hộ được sử dụng điện; 6/7 trường đạt chuẩn quốc gia; 22/22 thôn, buôn đạt danh hiệu văn hóa, 4.055 hộ đạt gia đình văn hóa; thu nhập bình quân đạt 53 triệu đồng/người/năm. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố kiện toàn, an ninh - quốc phòng bảo đảm; sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội giành nhiều thành tựu mới.

Chúng tôi đến thăm ông Y Teng Ksor, buôn Ea Knốp, ông chia sẻ: Gia đình tôi có 4 sào lúa, ban đầu, do thiếu vốn, nước tưới tiêu khó khăn nên chỉ sản xuất 1 vụ, xen cây nông nghiệp ngắn ngày. Sau này, chính quyền cải tạo đất, xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước để sản xuất lúa nước, làm đường giao thông nội đồng thuận tiện cho việc đi lại, sản xuất, bà con rất mừng. Do vậy, với 4 sào lúa nước, một năm canh tác 2 vụ, không chỉ đủ ăn quanh năm mà còn có dư để chăn nuôi, cải thiện cuộc sống, tăng thêm thu nhập.

Toàn xã hiện có 1.531ha đất sản xuất lúa nên hệ thống kênh mương nội đồng được xây dựng, hoàn thiện nguồn nước tưới, cùng với bà con nắm vững kỹ thuật nên năng suất ổn định khoảng 7-8 tấn/ha/1vụ. Nhờ đó, cuộc sống của người dân ngày càng ổn định. Hiện xã đang xây dựng kế hoạch thành lập các tổ hợp tác, phát triển cánh đồng lúa hiệu quả với năng suất, sản lượng đều tăng hằng năm.

Trả lời câu hỏi: Vì sao Cư Ni có chuyển tích cực, thực chất, Bí thư Nguyễn Thành Trung tâm đắc: “Đoàn kết thực chất là yếu tố hàng đầu; kế đến là dân chủ được thực hiện đầy đủ ở cơ sở, sau đó là mọi chủ trương, đường hướng, mục tiêu phát triển đều phải được bắt nguồn từ thực tiễn, tất cả vì cuộc sống của người dân”.

Có thể nhìn rõ lộ trình đổi mới phương thức lãnh đạo ở Cư Ni. Đó là Đảng ủy phân công cán bộ bám chi bộ thôn, buôn sinh hoạt, cùng bàn, tháo gỡ những vướng khó của người dân, tìm hiểu thực tiễn, gặp gỡ, đối thoại với dân để xử lý công việc tại chỗ với phương châm “Nói cho dân tin, làm cho dân theo, không để dân chờ, dân đợi”. Gần dân, sâu sát thực tiễn nên hiệu quả công việc thấy rõ, nhất là niềm tin, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được khơi dậy với tinh thần mọi chủ trương phải bắt nguồn từ cuộc sống.

Ý Đảng - lòng Dân” đã tạo nên nguồn lực to lớn đưa Cư Ni từ một vùng quê khó khăn vươn mình với kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, khang trang. Mừng hơn, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, hứa hẹn về một tương lai tươi sáng./.

 

Bài, ảnh: Đình Tăng - Nguyễn Chiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN