Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cột mốc biên giới ngã ba Đông Dương thể hiện tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào - Campuchia

Thứ Năm, 31/10/2024 19:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Cột mốc biên giới ngã ba Đông Dương là biểu tượng của sự tin cậy, tình đoàn kết hữu nghị trong xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Theo đại diện Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, ngã ba Đông Dương nằm ở khu vực biên giới của tỉnh Kon Tum, tọa lạc tại xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Cột mốc biên giới ngã ba Đông Dương do Việt Nam, Lào và Campuchia cùng thống nhất xây dựng trên đỉnh núi cao 1.086m so với mực nước biển, nơi có cảnh quan núi non trùng điệp, hùng vĩ. Nơi đây vừa là điểm bắt đầu của biên giới Việt Nam - Campuchia, vừa là điểm kết thúc biên giới Việt Nam - Lào.

 
 Cột mốc được làm bằng đá hoa cương, có hình trụ tam giác, nặng khoảng 1 tấn, cao 2m. Trên mỗi mặt cột mốc quay về mỗi nước được gắn Quốc huy, ghi năm cắm mốc và tên quốc gia đó bằng chữ màu đỏ của chính nước đó. 

Cột mốc được làm bằng đá hoa cương, có hình trụ tam giác, nặng khoảng 1 tấn, cao 2m. Trên mỗi mặt cột mốc quay về mỗi nước được gắn Quốc huy, ghi năm cắm mốc và tên quốc gia đó bằng chữ màu đỏ của chính nước đó. Phía Việt Nam thuộc xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, phía Lào thuộc tỉnh Attapeu, phía Campuchia thuộc tỉnh Rattanakiri. Đây là cột mốc thứ hai cùng ghi tên 3 quốc gia được cắm trên mảnh đất Việt Nam (cột mốc thứ nhất: Việt Nam - Lào - Trung Quốc, xây dựng năm 2005 tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên).

Cột mốc biên giới ngã ba Đông Dương được khởi công ngày 29/11/2007, khánh thành ngày 18/1/2008. Đây là một minh chứng về hòa bình và tình hữu nghị anh em của ba nước Đông Dương, biểu tượng thể hiện rõ nét ý chí, nguyện vọng và quyết tâm của chính phủ và nhân dân ba nước trong hợp tác giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ, là minh chứng thể hiện sự tin cậy, hiểu biết và tinh thần hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam, Lào và Campuchia.

Cột mốc có một vị trí đặc biệt, nơi mà “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”. 

Sau khi cột mốc biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia được bàn giao trên thực địa, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành thường xuyên tổ chức tuần tra để kiểm soát, bảo vệ nguyên trạng đường biên cũng như cột mốc biên giới.

Bên cạnh đó, lực lượng biên phòng Việt Nam phối hợp với lực lượng biên phòng của Lào và Campuchia tổ chức tuần tra và đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, các loại đối tượng trên khu vực biên giới, nhằm xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển...

Với vị trí địa lý đặc biệt, là biểu tượng của sự tin cậy, đoàn kết, trong những năm qua, cột mốc ba biên ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, thường xuyên là điểm đến trong các hoạt động về nguồn; là nơi giao lưu, gặp gỡ trong hoạt động đối ngoại Nhân dân, đối ngoại Biên phòng; trong xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị của lực lượng chuyên trách tỉnh Kon Tum, Việt Nam; Attapư, Lào và Rattanakiri, Campuchia.

Lễ chào cờ tại cột mốc biên giới ngã ba Đông Dương. 

Với quyết tâm xây dựng trên 292km đường biên giới giáp nước Lào và Campuchia thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị mà biểu tượng sinh động nhất là cột mốc ba biên, nhiều năm qua, lực lượng Biên phòng Kon Tum phối hợp với các lực lượng bảo vệ biên giới của Lào và Campuchia tổ chức nhiều cuộc hội đàm; trao đổi tình hình; tuần tra song phương và giải quyết tốt các vụ việc xảy ra trên tuyến biên giới. Đại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, cho biết: Bộ đội Biên phòng luôn tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại biên phòng. Cụ thể tổ chức giao lưu, hội đàm theo định kỳ ở nhiều cấp nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và nâng cao hiệu quả phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Tham mưu cho địa phương tổ chức kết nghĩa thôn - bản hai bên biên giới nhằm tăng cường mối quan hệ hiểu biết. Tích cực giúp đỡ nhân dân, cấp ủy, chính quyền và lực lượng bảo vệ biên giới phía đối diện với phương châm “giúp bạn là tự giúp mình” góp phần không ngừng củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó hai bên biên giới.

Cột mốc có một vị trí đặc biệt, nơi mà “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”. Từ Cột mốc ba biên, du khách có cơ hội ngắm nhìn toàn cảnh vùng đất ngã ba Đông Dương. Cũng tại đây, du khách muốn thăm hai nước Lào và Campuchia có thể làm thủ tục xuất cảnh ở Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y. Sau khi được hoàn thành, cột mốc ngã ba Đông Dương cũng trở thành một địa điểm check-in thú vị của cộng đồng mê du lịch và cả người dân bản địa. Đến đây, du khách sẽ được mãn nhãn với không gian núi đồi trùng điệp vô cùng đẹp mắt. Từ đây, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh vùng đất ngã ba Đông Dương.

Đặc biệt, những năm gần đây hệ thống giao thông thuận tiện, nên việc di chuyển đến cột mốc trở lên dễ dàng hơn. Trong quá trình di chuyển, du khách sẽ được hoà mình vào cảnh thiên nhiên núi non hùng vĩ, trùng điệp, ngắm hoa cà phê, một nét đặc trưng của vùng Tây Nguyên.

Ông Lê Hoàng Ngọc Vũ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Kon Tum cho biết: Cột mốc quốc giới ba biên Việt Nam - Lào - Campuchia hay còn được du khách gọi là ngã ba biên giới Đông Đương thu hút nhiều du khách nội địa bởi đây là địa điểm check-in đặc biệt "một con gà gáy cả ba nước đều nghe". Tuy nhiên ở đây vẫn còn thiếu các dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch như nhà vệ sinh, phương tiện để lên cột mốc. Hiện chỉ có xe ô tố đi dạng caravan hoặc xe máy là lên tới gần cột mốc.

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Đề án khai thác du lịch khu vực cột mốc quốc giới chung ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia với mục tiêu là: Khai thác tiềm năng lợi thế vị trí cột mốc biên giới chung ba nước để hình thành và phát triển du lịch trên địa bàn huyện Ngọc Hồi theo quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần nhóm ngành dịch vụ, du lịch. Phát triển du lịch nhằm đóng góp tích cực vào quá trình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ngọc Hồi nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, giữ vững quốc phòng an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội./.

Hạ Vân

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN