Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Công tác tư pháp, cải cách tư pháp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng

Thứ Ba, 19/11/2019 22:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Tại Hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, cải cách tư pháp có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội đăc biệt là bảo vệ quyền con người, trên cả thể chế và thực tiễn.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW  của Bộ Chính trị phát biểu tại Hội nghị

Ngày 19/11, tại TP Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Đề án Tổng kết Nghị quyết số 49 – NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh: Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp là chủ trương lớn của Đảng, được Bộ Chính trị quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và trong quá trình thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị đã 3 lần sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện Nghị quyết.

Cải cách tư pháp là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan đến các thể chế chính trị, quyền con người, quyền công dân và sự ổn định phát triển của đất nước. Đồng chí cũng nêu rõ, trong quá trình triển khai Đề án Tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (Đề án) cho thấy còn nhiều vấn đề đặt ra, cần phải tập trung nghiên cứu, thảo luận, làm rõ, đặc biệt, mục tiêu, quan điểm, phương hướng và nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Đồng chí bày tỏ mong muốn, các đại biểu cùng nhau tập trung trao đổi, làm rõ các nội dung trên.

Theo Tổ Biên tập Đề án, Dự thảo Báo cáo đã tổng hợp kết quả lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt Nghị quyết. Trong đó, nêu rõ: Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) và các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương (Đảng ủy Công an Trung ương, Quân ủy Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao...) và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đã tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung của Nghị quyết đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; kịp thời xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện ở các ngành, các cấp; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện; định kỳ kiểm điểm, đánh giá kết quả triển khai thực hiện và tiến hành sơ kết (3 năm, 5 năm), tổng kết (8 năm, 15 năm).

Đại biểu trao đổi tại Hội nghị 

Cùng với việc đánh giá, nêu rõ kết quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết, dự thảo Báo cáo đã nêu rõ kết quả triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ cải cách tư pháp, khẳng định rõ, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, công tác tư pháp, cải cách tư pháp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng:

Thứ nhất, đã sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thứ hai, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện các hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng phân định rõ hơn thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp; tăng quyền hạn, trách nhiệm và đề cao tính độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật của các chức danh tư pháp.

Thứ ba, đổi mới tổ chức, hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, phù hợp với chủ trương xã hội hóa.

Thứ tư, thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh.

Thứ năm, ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc cho các cơ quan tư pháp phù hợp với tính đặc thù của hoạt động tư pháp.

Bên cạnh đó, đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp, đáp ứng các yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và các hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân đối với các cơ quan tư pháp, hoạt động tư pháp. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có nhiều tiến bộ, từng bước hạn chế được tình trạng oan, sai…. góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Tại Hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, cải cách tư pháp có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội đăc biệt là bảo vệ quyền con người, trên cả thể chế và thực tiễn. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chưa đúng lộ trình; có một số nhiệm vụ quan trọng chưa được thực hiện triệt để.

 Toàn cảnh Hội nghị

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý vào các nội dung trọng tâm gồm đánh giá kết quả nổi bật sau 15 năm thực hiện Nghị quyết; những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết; về yêu cầu khách quan của cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay; mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới…

Đại biểu cho rằng, cải cách tư pháp cần phải tiến hành lâu dài, quá trình triển khai thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, có sự chỉ đạo tập trung, nhất quán; Có chương trình, kế hoạch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, địa phương. Đặc biệt, bảo đảm sự lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng; sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan dân cử, các tổ chức xã hội và nhân dân. Thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh…

Kết thúc hội nghị, đại diện Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết cho biết, sẽ nghiên cứu đầy đủ, tiếp thu tối đa những ý kiến phát biểu, tham luận của đại biểu để đưa vào Đề án tổng kết trình Bộ Chính trị trong thời gian tới./.

 
Tin, ảnh: V.Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN