Công nghệ số phục vụ cuộc sống con người
(ĐCSVN) - Những công nghệ số có tính đột phá năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục định hình cách thức con người làm việc, cuộc sống và tương tác xã hội. Mỗi một công nghệ có tiềm năng riêng, đồng thời có thể nảy sinh những hệ lụy, cần được nhận thức và cách giải quyết phù hợp, hướng tới xây dựng một tương lai bền vững và lành mạnh.
5G sẽ được cấp phép thương mại trong năm 2022 tại Việt Nam. Ảnh: nhandan.vn |
Nhiều công nghệ mang tính đột phá
Năm 2022, những công nghệ mới như Internet vệ tinh, mạng 5G, 6G, Metaverse, Web3.0, nền tảng NFT, AI, Big Data, điện toán đám mây, blockchain, robot, thiết bị thông minh cùng các công nghệ sản xuất vaccine và chăm sóc sức khỏe,… sẽ tiếp tục là xu hướng mang tính đột phá.
Các công ty lớn như SpaceX, OneWeb, Telesat và Amazon đang nỗ lực để xây dựng hệ thống Internet vệ tinh, thông qua sử dụng một mạng lưới các vệ tinh siêu nhỏ bay quanh quỹ đạo tầm thấp (LEO). Việc triển khai Internet băng rộng vệ tinh sẽ giúp cho các doanh nghiệp, chính phủ, trường học hay cá nhân sống ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể được tiếp cận với dịch vụ Internet tốc độ cao.
Một hệ sinh thái Metaverse (vũ trụ ảo) tồn tại song song cùng thế giới thực kỳ vọng sẽ được tạo ra. Công ty Meta công bố một khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực này. Nvidia và Microsoft cũng đã lên kế hoạch, với mục tiêu tạo ra thế giới trực tuyến phong phú, ổn định. Một thị trường “bất động sản ảo” hàng trăm triệu USD nhanh chóng hình thành và có thể trở thành một tài sản thực có giá trị. Metaverse còn cung cấp cả các dịch vụ hành chính liên quan đến kinh tế, văn hóa, giáo dục.
Web thế hệ 3 (Web3.0) sẽ được phát triển trở thành một mạng Internet tự chủ, thông minh và cởi mở hơn. Thông tin sẽ được tìm kiếm nhanh chóng và chính xác hơn; tự động hóa các dịch vụ; phân quyền kiểm soát dữ liệu, mang lại trải nghiệm “liền mạch hơn” cho người dùng. Tác động của Web 3.0 đối với công nghệ, tài chính, thị trường và chính sách sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và mở rộng sang nhiều lĩnh vực.
Nền tảng NFT (tài sản không thể thay thế) được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, với bất cứ sản phẩm có thể tồn tại dưới dạng kỹ thuật số. NFT sẽ có mặt ở khắp mọi nơi và trở thành một phần của nền kinh tế kỹ thuật số. Công nghệ blockchain sẽ được đón nhận nhờ những khả năng mới và có tác động sâu sắc đến kinh tế - xã hội, bảo mật dữ liệu cho hoạt động quản lý, cải thiện chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục là một trong những xu hướng công nghệ mới và được dự đoán sẽ có những tiến bộ mang tính chuyển đổi. Dự báo đến năm 2030, GDP toàn cầu có thể tăng trưởng thêm 14% từ sự hỗ trợ của AI. Big Data sẽ tiếp tục có sự đột phá, với xu hướng xử lý dữ liệu phân tán thay cho dữ liệu tập trung. Lĩnh vực điện toán đám mây cũng sẽ phát triển lớn mạnh, với chi tiêu toàn cầu dự kiến đạt 482 tỷ USD vào năm nay.
Nhiều công ty lớn đã đưa ra những giải pháp khả thi cho công nghệ làm việc từ xa, giao hàng không tiếp xúc. Các loại vaccine COVID-19 được sản xuất theo công nghệ mRNA cho thấy hiệu quả cao trong ngăn chặn dịch bệnh, 3 nhà khoa học được nhận giải thưởng VinFuture. Điều này sẽ thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng công nghệ mRNA để tạo ra các loại vaccine phòng ngừa những căn bệnh khác. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và y tế từ xa cũng sẽ có nhiều thay đổi sau đại dịch.
Tại Việt Nam, dự báo được xu hướng phát triển của công nghệ, Đảng ta đã có định hướng cho giai đoạn 2021-2030, đó là: “Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), in 3D, Internet kết nối vạn vật, an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế”. Chương trình “chuyển đổi số quốc gia” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về AI đến năm 2030 cũng đã được ban hành.
Theo số liệu từ Bộ TT&TT, Việt Nam hiện có khoảng 64.000 doanh nghiệp công nghệ số. Năm 2021, có thêm 5.600 doanh nghiệp công nghệ số được thành lập mới. Đầu tư vào AI, metaverse, 6G, NFT, blockchain,… đang là xu hướng mới, thu hút các doanh nghiệp Việt mà trước đây chưa từng có.
Tập đoàn Viettel đã đề xuất việc triển khai thí điểm dịch vụ Internet vệ tinh. FPT công bố sẽ chi 300 tỷ đồng cho nghiên cứu và phát triển AI trong 5 năm tới. VNPT đang đẩy mạnh phát triển công nghệ AI liên quan đến thành phố thông minh và chính quyền điện tử. Dự án “Cổng trời” sẽ trở thành một địa chỉ giao dịch thông qua NFT. Mạng 5G sẽ được cấp phép thương mại hóa và các nghiên cứu về 6G cũng sẽ được khởi động trong năm 2022.
Các vấn đề cần giải quyết
Các chuyên gia công nghệ cho rằng, ngoài lợi ích mang lại, các công nghệ số cũng đặt ra các thách thức về nhiều mặt. Khi Internet vệ tinh phát triển sẽ xuất hiện các vấn đề cần giải quyết như các quy định pháp lý, các hạn chế kỹ thuật và tính kinh tế của hệ thống này. Cùng với đó là tác động của nó tới dịch vụ viễn thông truyền thống cũng như an ninh quốc gia.
Hệ sinh thái metaverse còn nhiều khó khăn trong xây dựng, như công nghệ hiện tại chưa đủ tốt để vận hành, chi phí lớn và có thể không đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp. Metaverse đang đặt ra thách thức về quyền riêng tư dữ liệu. Nhiều người cũng lo lắng về hệ lụy từ metaverse, chẳng hạn như bắt nạt, phát ngôn thù địch, quấy rối,… Thế nhưng, hiện vẫn thiếu cơ chế bảo vệ người dùng và báo cáo các hành vi sai trái.
Việc triển khai blockchain quy mô lớn vẫn chưa hoàn toàn thành công trên thế giới. Trên thực tế, các chính phủ đang ngày càng tận dụng thế mạnh của công nghệ blockchain cho các hoạt động của mình, nhưng tâm lý hoài nghi vẫn còn tồn tại. Các quy định liên quan tới công nghệ blockchain chưa được xây dựng một cách rõ ràng.
Tính hợp pháp của nền tảng NFT vẫn chưa được chấp nhận ở hầu hết các quốc gia, bởi chúng giao dịch trên hệ thống blockchain của tiền ảo. Thị trường NFT khó kiểm soát và có nhiều rủi ro từ việc không có cơ quan quản lý. Các tài sản NFT đang được định giá mới chỉ dựa vào niềm tin, mà chưa có cơ chế phù hợp. Các chuyên gia cũng cảnh báo giá trị các NFT đang được đẩy lên quá cao, cơn sốt NFT tựa như bong bóng đang chờ phát nổ.
Các vi phạm an ninh trên không gian mạng ngày càng tăng, bất chấp những tiến bộ công nghệ hiện đại. Chi phí cho các hoạt động bảo đảm an ninh mạng ngày càng tốn kém. Theo Deloitte, chi phí trung bình cho một lần bị xâm phạm dữ liệu vào năm 2021 là 4,24 triệu USD. Dự kiến vào năm 2025, chi phí cho tội phạm mạng sẽ ở mức 10.500 tỷ USD (năm 2021 là 6.000 tỷ USD).
Như vậy, công nghệ không ngừng biến đổi và phát triển, là phương thức và công cụ để xây dựng một xã hội thịnh vượng, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Điều đó đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi công nghệ, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn những hệ lụy phát sinh, hướng tới xây dựng một tương lai bền vững và lành mạnh./.