Công khai các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường
(ĐCSVN) – Đặt an toàn môi trường lên hàng đầu, tức là môi trường phải đi trước và là ưu tiên quan trọng trong từng dự án đầu tư. An toàn môi trường không thể dựa theo báo cáo hoặc cam kết của chủ dự án, mà phải là cam kết chính trị của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường.
Ảnh minh họa. ( Nguồn:vietnamnet.vn)
Không phải là định tính mà thực tế cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, rác thải đã và đang xảy ra ở không ít đô thị, khu công nghiệp, làng nghề...
Theo số liệu được báo chí công bố, hiện cả nước có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải ngày/đêm; 615 cụm công nghiệp, trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu; hơn 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; hơn 4.500 làng nghề; hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 chất tấn thải nguy hại; 787 đô thị với 3 triệu m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý. Hàng năm, cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh...
Sau hàng loạt sự cố về môi trường, gần đây, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã thẳng thắn thừa nhận sự thật “Môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa!”.
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế, nhưng mặt trái là khó kiểm soát được an toàn môi trường. Không chỉ ở nước ta, không ít quốc gia trên thế giới đã phải trả giá về quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa phát triển quá “nóng”. Đơn cử, năm 1980, Hàn Quốc xảy ra hàng loạt vụ ô nhiễm không khí, nước và rác thải; còn Nhật Bản, từ năm 1950 -1970, ô nhiễm không khí và nước diễn ra trên diện rộng, gây ra nhiều căn bệnh lạ. Hoặc phải kể đến, từ cuối năm 2015 đến đầu năm nay, Bắc Kinh (Trung Quốc) đã liên tục phát báo động đỏ vì ô nhiễm không khí...
Nhận ra giá trị cốt lõi giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, Việt Nam đã và đang có những biện pháp mạnh để ngăn chặn những sự cố môi trường với chủ trương nhất quán của Chính phủ là: Kiên quyết không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường; không cho phép đầu tư các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, các dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
An toàn môi trường không thể dựa theo báo cáo hoặc cam kết của chủ dự án, mà phải là cam kết chính trị của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường thông qua cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm. Mọi sự cam kết phải được công khai cho người dân, báo chí biết và giám sát.
Với tinh thần công khai để giám sát, Bộ Công thương vừa công bố danh mục các dự án, nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của 7 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào các dự án, nhà máy nhiệt điện, hóa chất, thủy điện khai thác khoáng sản.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là doanh nghiệp tiên phong đưa ra chính sách yêu cầu tất cả các nhà máy nhiệt điện than thuộc EVN hàng tháng mở cửa một lần mời chính quyền địa phương, người dân vào tham quan, tìm hiểu và giám sát quy trình vận hành.
Công khai các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, có những biện pháp mạnh để ngăn chặn những sự cố môi trường, giữ gìn và bảo vệ môi trường là trách nhiệm đối với cộng đồng, với người dân và vì sự phát triển bền vững của đất nước./.