Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cộng đồng quốc tế quan ngại về tình hình Ukraine

Thứ Ba, 22/02/2022 10:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Rạng sáng 22/2 theo giờ Hà Nội, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của cộng hòa tự xưng Donest (DPR) và Lugansk (LPR) ở miền Đông Ukraine. Ngay lập tức, cộng đồng quốc tế đã có phản ứng và kêu gọi các bên kiềm chế trước các động thái có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng.

 Báo chí Nga đưa tin về việc Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của cộng hòa tự xưng Donest (DPR) và Lugansk (LPR) ở miền Đông Ukraine. (Ảnh cắt từ bản tin của TASS)

Phát biểu trên truyền hình, ông Putin giải thích: "Tôi tin rằng cần phải đưa ra quyết định đáng lẽ ra phải thực hiện từ lâu. Tôi ngay lập tức công nhận độc lập và chủ quyền của cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk”.Trong bài phát biểu dài 55 phút, Tổng thống Putin yêu cầu “chấm dứt ngay lập tức hành động chiến sự” ở khu vực Donbass, nhấn mạnh rằng trong trường hợp ngược lại, “mọi trách nhiệm liên quan đến chiến sự đổ máu” có thể diễn ra đều thuộc về Kiev. Ông Putin khẳng định Nga “đã làm tất cả để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, trong đó có việc “đấu tranh để thực hiện các thỏa thuận Minsk”, song đều vô ích.

Đề cập tới vấn đề Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Putin cho rằng việc Ukraine gia nhập NATO và sau đó là việc triển khai các cơ sở của NATO trên lãnh thổ Ukraine chỉ là “vấn đề thời gian”. Các đề xuất về đảm bảo an ninh của Nga đưa ra hồi tháng 12/2021 đã bị bỏ qua, chính vì vậy, Moscow có “toàn quyền áp dụng các biện pháp đáp trả để đảm bảo an ninh của mình”.

Ngay sau diễn biến trên, Tổng thống Mỹ J.Biden đã ký sắc lệnh trừng phạt Nga, trong đó đề cập tới lệnh cấm các công dân Mỹ hỗ trợ tài chính, đầu tư và thực hiện các hoạt động giao thương với DPR và LPR. Sắc lệnh hành pháp của ông J.Biden cũng cấm các công dân Mỹ, dù là sinh sống ở bất cứ nơi đâu thực hiện hoạt động đầu tư mới vào LPR và DPR hoặc các khu vực khác của Ukraine. Các khu vực này được xác định bởi Bộ trưởng Tài chính Mỹ, dựa trên sự tham vấn với Ngoại trưởng Mỹ. Ngoài ra, lệnh hành pháp còn “bật đèn xanh” cho giới chức Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân hoạt động trong DPR và LPR.

Trong khi đó, Anh và Pháp cũng phản ứng trước việc Nga công nhận nền độc lập của hai cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine. Một phát ngôn viên của Chính phủ Anh sau đó tiết lộ, chính quyền của ông Johnson sẽ sớm công bố gói các lệnh trừng phạt Nga, đồng thời tăng cường hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine. 

Trước bối cảnh trên, một quan chức cấp cao thuộc Văn phòng Tổng thống Pháp đã khẳng định tính cần thiết của các nỗ lực theo đuổi đàm phán với Nga nhằm ngăn chặn tình hình diễn biến xấu. Quan chức trên cho biết, cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại thủ đô Paris sẽ diễn ra vào ngày 25/2 như dự kiến. Tuy nhiên, ông cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khả năng diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ theo như đề xuất mà Pháp đưa ra và được các bên nhất trí về nguyên tắc vào ngày 20/2 chỉ còn rất thấp.

Ngay trong ngày 22/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã triệu tập phiên họp khẩn theo yêu cầu của Mỹ, Pháp, Anh và các thành viên Liên hợp quốc khác để thảo luận về tình hình Ukraine. 

 Trước phản ứng của các nước, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia đã lên tiếng bảo vệ quyết định của Tổng thống Putin, coi đây là biện pháp giúp bảo vệ người dân tại khu vực miền Đông Ukraine. Ông Nebenzia cũng kêu gọi phương Tây không nên quan ngại và đưa ra những nhận định vô căn cứ về khả năng xảy ra một cuộc xâm lược ngay tức thì do Nga nhằm vào Ukraine để gửi quân và vũ khí tới khu vực. Ông Nebenzya cho rằng các cường quốc phương Tây cần "suy nghĩ thấu đáo" và không làm nghiêm trọng hóa tình hình. Moscow luôn "sẵn sàng tìm kiếm giải pháp ngoại giao" cho tình hình căng thẳng hiện nay.

 Tại phiên họp, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Rosemary DiCarlo đã bày tỏ quan ngại trước tình hình hiện nay, đồng thời kêu gọi các bên cần ngăn ngừa xung đột bằng mọi giá.

Trước đó cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại về quyết định của Nga, đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine phù hợp với các thỏa thuận Minsk được Nghị quyết 2202 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ năm 2015.

Thông qua người phát ngôn của mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc tuyên bố quyết định của Nga đã vi phạm tính toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của Ukraine, đồng thời phá vỡ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Tuyên bố của người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh nêu rõ, các nghị quyết liên quan của Đại Hội đồng Liên hợp quốc vẫn hoàn toàn ủng hộ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận.

Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan tập trung nỗ lực nhằm đảm bảo chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch, bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, kiềm chế mọi hành động và tuyên bố có nguy cơ làm leo thang nguy hiểm và ưu tiên nỗ lực ngoại giao để giải quyết mọi vấn đề./.

T.Lan (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN