Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 6 luật vừa được Quốc hội thông qua

Thứ Hai, 22/07/2024 13:27 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Sáng 22/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 6 luật vừa được kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thông qua.

Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 6 luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 gồm: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chỉ quy định 2 ngạch là Thẩm phán

Tại họp báo, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho hay Luật Tổ chức TAND năm 2024 gồm 9 chương, 152 điều; giảm 2 chương nhưng tăng 54 điều so với Luật ban hành năm 2014. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung 101 điều, bổ sung mới 48 điều và giữ nguyên 3 điều.

Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho hay Luật vừa ban hành có nhiều điểm mới đáng chú ý liên quan đến chế định về Thẩm phán.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: TH. 

Theo đó, về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao, Luật vừa được thông qua bổ sung tiêu chuẩn về độ tuổi (từ đủ 45 tuổi trở lên) và phải có từ đủ 20 năm trở lên công tác tại Tòa án, trong đó có từ đủ 10 năm trở lên làm Thẩm phán TAND.

“Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định nhưng phải có từ đủ 5 năm trở lên làm Thẩm phán TAND” - Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho hay.

Ngoài ra, Luật cũng bổ sung trường hợp luật sư, giảng viên đại học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, bảo đảm quy trình theo quy định thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND Tối cao.

Về ngạch, bậc Thẩm phán, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết, Luật sửa đổi theo hướng chỉ quy định Thẩm phán gồm 02 ngạch là Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán TAND (Điều 90).

Thông tin thêm, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết Luật Tổ chức TAND 2014 đã bổ sung quy định về chế độ bảo vệ, miễn trừ trách nhiệm đối với Thẩm phán tại Điều 11.

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025.

Trừ điểm giấy phép lái xe sẽ hoàn toàn tự động

Giới thiệu về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Luật có bố cục gồm 9 chương với 89 điều, tiếp tục kế thừa các hành vi bị nghiêm cấm từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trong đó quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, quy định trên xuất phát từ Chỉ thị 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tiến tới xây dựng văn hóa trong giao thông đã điều khiển phương tiện thì không uống rượu bia.

"Quy định nồng độ cồn trong máu và hơi thở khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông bằng 0 nhằm thiết lập văn hóa về giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông xảy ra", Trung tướng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.

Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: TH. 

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng quy định về trừ điểm giấy phép lái xe với người vi phạm trật tự an toàn giao thông. Để chuẩn bị cho việc thực hiện quy định này, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, Bộ Công an đã và đang mưu cho Chính phủ xây dựng nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong đó, có quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính bị trừ điểm giấy phép lái xe.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp khi cần thiết

Thông tin tại họp báo, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ 2024 (Luật Cảnh vệ 2024) được Quốc hội thông qua ngày 28/6, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, gồm 2 điều. Trong đó: Điều 1, sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Điều 2 là điều khoản thi hành.

Luật Cảnh vệ 2024 đã bổ sung đối tượng cảnh vệ là con người, gồm: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao. Cùng với đó, luật cũng quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng.

Cụ thể, lần sửa đổi này bổ sung đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng và đối tượng khác được áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ.

Luật cũng quy định rõ về chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam.

Cũng theo Trung tướng Lê Quốc Hùng, lần sửa đổi này, Luật Cảnh vệ 2024 đã bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo công tác đối ngoại.

Đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ bao gồm 08 chương, 75 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

Luật quy định về quản lý, sử dụng và nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đối tượng áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

Bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này; đồng thời, quy định vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.

Bên cạnh đó, Luật cũng đã bổ sung quy định về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ; Sửa đổi, bổ sung quy định việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp; Sửa đổi, bổ sung các quy định về cắt giảm các loại giấy tờ trong hồ sơ thủ tục hành chính về cấp các loại giấy phép đảm bảo cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân…

Tạo nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam giới thiệu về những nội dung cơ bản của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Ảnh: TH.

Giới thiệu về những nội dung cơ bản của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam cho biết: Luật gồm 7 chương với 86 điều, được xây dựng và ban hành nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài, bao gồm cả đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng.

Luật quy định chính sách của Nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp theo quy định của luật là: Ưu tiên bảo đảm ngân sách, có chính sách, cơ chế đặc thù cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Xây dựng, phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, thiết kế, chế tạo với sản xuất, sửa chữa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh. Ưu tiên nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Đồng thời, huy động tối đa nguồn lực của công nghiệp quốc gia, xây dựng và phát triển công trình hạ tầng phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; thu hút, đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh. Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, gắn kết chặt chẽ, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp...

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2025.

Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 8 chương, 65 điều, quy định về: những quy định chung, quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, nghiệp vụ lưu trữ, tài liệu lưu trữ đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, lưu trữ tư, hoạt động dịch vụ lưu trữ, quản lý nhà nước về lưu trữ, điều khoản thi hành.

Luật tập trung làm rõ 4 chính sách lớn gồm: thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam; quản lý tài liệu lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử; quản lý tài liệu lưu trữ tư; quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ. Các chính sách này được quy định thống nhất, xuyên suốt trong toàn bộ Luật Lưu trữ (sửa đổi) lần này.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2025./.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN