Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Công bố Báo cáo đặc biệt thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu năm 2022

Thứ Ba, 01/11/2022 15:57 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sáng 1/11, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố báo cáo đặc biệt "Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu năm 2022".

Toàn cảnh lễ công bố (Ảnh: Phương Thảo) 

Trước đó, bản báo cáo đặc biệt lần hai này đã được giới thiệu với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại Đối thoại chính sách với thanh niên, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Phát biểu tại lễ công bố, bà Ramla Al Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP ở Việt Nam nêu rõ, những trận bão, lũ lụt và hạn hán liên tục diễn ra trong thời gian qua đang cho thấy những tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam. Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, mức độ nghiêm trọng và cường độ của những tác động này có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh kế của các cộng đồng và gia đình ở Việt Nam.

Bà Ramla Al Khalidi cảnh báo, trong những năm tới, khi lớp thanh niên hiện nay bước vào tuổi trung niên, họ sẽ phải đối mặt với những thách thức này, và khẳng định "Những người trẻ đang nhìn về tương lai của họ và họ đang lĩnh trách nhiệm với các cam kết đảm bảo hành động khí hậu toàn diện, phát triển bền vững".

Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam kêu gọi tất cả các đối tác phát triển chung tay với UNDP, để tạo điều kiện và thúc đẩy một môi trường trong đó thanh niên có thể vươn lên đảm nhận và làm chủ những thay đổi cho tương lai của chính mình.

"Chúng tôi cam kết hỗ trợ thanh niên Việt Nam, đảm bảo các mối quan tâm và ý tưởng của họ được lắng nghe, đồng thời tiếp tục hợp tác với thanh niên để tận dụng khả năng sáng tạo của họ nhằm thúc đẩy hành động vì biến đổi khí hậu. UNDP không những đặc biệt quan tâm đến các hoạt động của thế hệ trẻ, mà đây còn là nghĩa vụ của chúng tôi trong việc đảm bảo rằng thanh niên và các thế hệ tương lai sẽ được sống trong một tương lai công bằng, xanh và bền vững", bà Ramla Al Khalidi khẳng định.

Nhân dịp này, Trưởng Đại diện thường trú UNDP ở Việt Nam hoan nghênh các cam kết hướng tới tương lai của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-26), nhằm cắt giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Cùng với đó, Trưởng Đại diện thường trú UNDP ở Việt Nam Ramla Al Khalidi cho rằng, một mình chính phủ không thể chiến thắng trong cuộc đua chống biến đổi khí hậu. Bà nhấn mạnh, "Việt Nam cần sự hỗ trợ của toàn xã hội, trong đó có thanh niên, chiếm 23% dân số. Cách tiếp cận hòa nhập này cần được thể hiện bằng cách lắng nghe những người trẻ tuổi, tạo không gian để tiếng nói của họ được lắng nghe cũng như trao quyền cho họ thực hiện các hành động có ý nghĩa".

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường nhấn mạnh: Lễ công bố Báo cáo đặc biệt Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu năm 2022 diễn ra trước thềm Hội nghị COP-27 có ý nghĩa rất quan trọng, đóng góp tiếng nói của thanh niên Việt Nam vào công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. "Chúng tôi mong muốn các cơ quan, tổ chức tạo điều kiện hơn nữa để giúp thanh niên Việt Nam tham gia và đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc gia nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050", ông Tăng Thế Cường phát biểu.

Tại lễ công bố, các bạn trẻ trong nhóm thực hiện Báo cáo đã trình bày tuyên bố của mình, trong đó mong muốn Chính phủ ưu tiên đầu tư vào các nhà máy điện tái tạo; xác lập lộ trình loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030; hạn chế các tổ chức tài chính đầu tư vào các dự án phát thải cao; giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm này vào năm 2030.

Các bạn trẻ đề nghị chính quyền địa phương, các bên liên quan thu hút thanh niên tham gia tổ chức các chiến dịch truyền thông sáng tạo, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, khuyến khích lối sống xanh và hành động chống chịu với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, thanh niên cũng kêu gọi Chính phủ tạo khung pháp lý, điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các cá nhân, người sáng lập, và tổ chức thanh niên thực hiện hành động vì biến đổi khí hậu, đặc biệt tạo cơ chế thuận lợi để trao quyền cho thanh niên dân tộc thiểu số, các nhóm yếu thế và những người trực tiếp chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các bạn trẻ cũng khuyến nghị Chính phủ ưu tiên thành lập nhóm công tác về chính sách thanh niên và biến đổi khí hậu để đại diện cho tiếng nói của thanh niên tại các diễn đàn chính sách quốc gia, quốc tế.

"Thanh niên Việt Nam đã, đang và sẽ hành động nhiều hơn nữa, không chỉ chủ động kết nối mọi nguồn lực khác nhau trong xã hội để chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn đóng góp tiếng nói mạnh mẽ hơn ở các diễn đàn trong nước, khu vực và quốc tế. Hơn ai hết, chúng tôi coi biến đổi khí hậu là một mối đe dọa hiện hữu, nhưng đồng thời là một động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo - hành động vì một tương lai phát triển bền vững", bạn Nguyễn Văn Bảo, tác giả chính của Báo cáo cho biết.

Giống như bản Báo cáo năm 2021, bản Báo cáo năm nay được viết bởi nhóm 24 tác giả trẻ tiêu biểu trên cả nước. Báo cáo gồm các chủ đề chính: Thanh niên với chính sách khí hậu và quá trình ra quyết định; thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải hướng tới phát thải ròng bằng "0"; thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Các tác giả đã nghiên cứu hơn 130 sáng kiến và dự án khí hậu do thanh niên khởi xướng, là những trường hợp điển hình về hành động khí hậu thiết thực do thanh niên thực hiện. Các tác giả cũng xác định một số giải pháp thúc đẩy cần ưu tiên triển khai, gồm việc thành lập nhóm công tác của thanh niên về chính sách khí hậu, xây dựng các chương trình giáo dục và nâng cao năng lực về biến đổi khí hậu, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các dự án do thanh niên lãnh đạo.

Theo Báo cáo đặc biệt lần này, thanh niên đang đối mặt với hai khó khăn chính, đó là hạn chế tài chính, thiếu kiến thức kỹ thuật và kỹ năng. Báo cáo cũng đề xuất các hướng giải quyết, như phát triển cổng kết nối thông tin tài chính cho biến đổi khí hậu dành cho thanh niên, thúc đẩy vai trò của thanh niên trong quản trị khí hậu và ngoại giao khí hậu, xây dựng bộ tài liệu chuyên ngành dành cho thanh niên.

Việt Đức

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN