Còn nhiều ý kiến khác nhau về phương án rút bảo hiểm xã hội một lần
Thưa quý vị! Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Một trong những vấn đề làm “nóng” nghị trường là làm thế nào để hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần nhưng vẫn đảm bảo để người lao động có thể ổn định đời sống sau khi ngừng làm việc. Đây cũng là vấn đề được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm thời gian qua.
Tại hội trường, đa số đại biểu nhất trí cho rằng rút BHXH một lần đang là thực trạng "vô cùng day dứt", tác động tiêu cực đến đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của người dân. Các trường hợp cần rút BHXH một lần đều là những trường hợp gặp khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội là quyền lợi gắn liền với quá trình lao động, cống hiến và tích lũy của cá nhân người lao động. Do vậy, cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng bảo hiểm xã hội khi họ không còn điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội nữa. Nhiều đại biểu đồng tình với phương án rút BHXH một lần như phương án 1 của dự thảo, đó là: người lao sẽ nhận BHXH một lần khi thuộc hai nhóm: Đã tham gia BHXH trước khi luật sửa đổi có hiệu lực. Hoặc tham gia sau khi Luật này có hiệu lực nhưng chỉ thuộc một số ít trường hợp đặc biệt.
Còn nhiều ý kiến khác nhau về phương án rút bảo hiểm xã hội một lần. |
Nêu quan điểm những người làm luật cần đặt mình vào vị trí của người lao động, nhất là sau bối cảnh dịch Covid- 19, cuộc sống, công việc của người lao động gặp muôn vàn khó khăn, một số đại biểu đề nghị cần gia cố thêm những chính sách để giữ chân người lao động, theo quan điểm là Nhà nước chỉ nên giữ chân người lao động bằng các lợi ích chứ không nên bằng các hạn chế.
Cũng tại phiên làm việc sáng 23/11, liên quan đến quy định cho phép người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng, một số đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định có liên quan kèm theo để tối ưu hóa sự thay đổi này, tránh việc trục lợi từ chính sách mới.
Giải trình trước Quốc hội về một số nội dung liên quan đến dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ: về phương án rút bảo hiểm xã hội một lần, hiện tại khó có thể đưa ra một phương án tối ưu mà sẽ đi theo phương án nhiều ưu điểm hơn. Việc điều chỉnh hưởng bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục theo hướng là người lao động có quyền vấn đề này, nhưng không phân biệt người đóng trước hay đóng sau khi Luật có hiệu lực.
Về trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Việc điều chỉnh giảm dần độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội trước mắt, Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm từ 80 xuống 75 tuổi và với phương án sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu. Việc điều chỉnh này sẽ tùy theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách của Nhà nước./.