Con người trước sự thảm khốc của thiên nhiên
(ĐCSVN) - Thiệt hại vô cùng lớn về người và của do thảm họa thiên nhiên gây ra cho thấy, dù xã hội loài người có phát triển đến đâu, những thành tựu về khoa học – công nghệ - kỹ thuật của con người có ở đỉnh cao nào thì đứng trước các thảm họa thiên nhiên, con người vẫn trở nên nhỏ bé, sự sống của con người trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Hàng nghìn sinh mạng bị cướp đi
Bức ảnh người cha nắm chặt bàn tay cô con gái 15 tuổi đang bị đè chặt bởi khối tường và bê tông sau trận động đất ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ khiến chúng ta không khỏi xót xa. Đó là khoảnh khắc người cha đau khổ và bất lực muốn nói rằng: “Cha luôn ở đây bên con”, mặc dù anh biết rằng không thể làm gì được để con gái anh sống lại.
Anh Mesut Hancer nắm chặt tay con gái bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của tòa nhà sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AFP/ Getty Images) |
Thi thể của cô gái có tên Irmak nằm trên một tấm đệm, bị đè bởi một khối bê tông khổng lồ. Lực lượng cứu hộ và anh Mesut Hancer chỉ có thể nhìn thấy bàn tay và một phần nhỏ khuôn mặt của con gái mình qua một khe hẹp trong đống đổ nát của ngôi nhà. Thời điểm xảy ra trận động đất, hầu hết mọi người đang chìm trong giấc ngủ. Do vậy, rất nhiều người thiệt mạng khi vẫn đang ở trên giường và không thể thoát ra ngoài trước khi nhà của họ đổ ập xuống.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) lo ngại rằng, con gái anh Mesut Hancer có thể chỉ là một trong số hàng nghìn trẻ em thiệt mạng sau thảm họa động đất xảy ra hôm 6/2 ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tính đến 11h ngày 8/2 (theo giờ Việt Nam), số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất kinh hoàng xảy ra sáng sớm 6/2 tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria đã lên tới 8.364 người. Con số thương vong dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi các hoạt động cứu hộ cứu nạn vẫn tiếp tục.
Tại nước láng giềng Syria, một người mẹ mang thai đã chuyển dạ ngay trong khoảng thời gian xảy ra trận động đất. Truyền thông địa phương đưa tin, một bé gái đã ra đời kỳ diệu dưới đống đổ nát của những tòa nhà bị sập sau trận động đất lớn ở Syria, sản phụ sau đó tử vong. Em bé cũng là người duy nhất sống sót trong gia đình gồm nhiều thành viên.
Video ghi lại khoảnh khắc một người đàn ông lao khỏi tòa nhà 4 tầng bị tàn phá, bế trong tay bé gái sơ sinh còn đỏ hỏn phủ đầy bụi, băng qua những khối kim loại, bê tông vỡ. Một người đàn ông khác chạy ngay sau với chiếc khăn màu xanh, ném cho người đang bế bé để giữ ấm cho đứa trẻ trong thời tiết dưới 0 độ C. Bé gái được đưa đi điều trị ở thị trấn Afrin gần đó. Nằm trong lồng ấp, em được truyền tĩnh mạch, cơ thể đầy vết thương, một miếng băng quấn quanh nắm tay trái. Trán và các ngón tay cô bé vẫn còn xanh tái vì lạnh. Em bé hiện đã ổn hơn nhưng vẫn trong tình trạng nguy kịch và cần được theo dõi.
Đó chỉ là hai trong số hàng nghìn câu chuyện đã xảy ra liên quan đến sự sống và cái chết khi tai họa ập đến ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. WHO dự báo rằng, số người thiệt mạng vì liên quan đến trận động đất có thể lên đến 20.000 người.
Trong khi đó, hàng chục nghìn người mất nhà cửa đã phải ngủ trong ô tô hoặc tìm kiếm chỗ ở tạm thời sau khi hàng nghìn tòa nhà bị phá hủy ở cả hai nước. Thậm chí nhiều người vẫn còn nhà cửa nhưng lo sợ tiếp tục có dư chấn nên cũng chưa dám quay trở về nhà.
Động đất tương đương 32 quả bom nguyên tử
Trận động đất có độ lớn 7,8 xảy ra lúc 4h17 sáng 6/2 (giờ địa phương), với tâm chấn ở độ sâu khoảng 18km gần thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Syria khoảng 60 km. Ít nhất 285 dư chấn đã xảy ra sau trận động đất này. Trong đó, 11 phút sau trận động đất 7,8 độ ban đầu, khu vực này hứng chịu một dư chấn mạnh 6,7 độ. Một trận động đất mạnh 7,5 độ xảy ra vài giờ sau đó, tiếp theo là một trận động đất mạnh 6 độ khác vào buổi chiều.
Theo các nhà địa chấn học, trận động đất làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ngày 6/2 có thể là một trong những trận động đất mạnh nhất, gây ra nhiều thương vong nhất trong thập kỷ này. Trận động đất mạnh 7,8 độ richter tạo ra vết nứt hơn 100 km giữa các mảng kiến tạo bán đảo Anatolia và Ả Rập.
Trận động đất hôm 6/2/2023 đã phá hủy hàng nghìn ngôi nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria (Ảnh: Getty Images) |
Theo báo The New York Times, năng lượng giải phóng ra từ trận động đất vào sáng 6/2 ở khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tương đương 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cách đây gần 80 năm. Đây là nhận định của Giám đốc Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines, Renato Solidum khi đánh giá về các trận động đất có độ lớn từ 7 trở lên.
Các chuyên gia cho rằng trận động đất gây thiệt hại lớn do xảy ra ở khu vực đông dân cư và vào rạng sáng khi nhiều người còn đang ngủ. Ngoài ra, tâm chấn nông cũng là yếu tố gia tăng mức độ tàn phá. Một nhân tố khác cũng ảnh hưởng đến mức độ tàn phá là chất lượng xây dựng của các tòa nhà trong khu vực. Theo dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), cấu trúc của phần lớn các tòa nhà trong khu vực đều rất dễ chịu tác động của các đợt rung chấn.
Cùng chung nhận định về nguyên nhân gây thiệt hại lớn về người và tài sản do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, PGS.TS Cao Đình Triều, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng cho rằng: Thiệt hại do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Hai nguyên nhân chính là nền đất yếu và kết cấu công trình yếu, không đảm bảo các yêu cầu kháng chấn.
Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một trong những quốc gia hoạt động địa chất mạnh nhất thế giới vì nằm trên mảng Anatolian, giữa hai đường đứt gãy lớn. Hầu hết các thành phố hiện đại ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là những thành phố nằm trên các đường đứt gãy lớn, đều có các quy định nghiêm ngặt về xây dựng, đảm bảo các tòa nhà không dễ sụp đổ khi động đất. Tại thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, hầu hết các tòa nhà cao tầng được thiết kế để chống chọi với động đất. Nhưng Gaziantep – thành phố nằm gần tâm của trận động đất sáng 6/2 thì không hiện đại như Istanbul và nhiều tòa chung cư không được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn. Đây là nguyên nhân khiến nhiều tòa nhà cao tầng đổ sụp.
Cũng theo PGS.TS Cao Đình Triều, chu kỳ những trận động đất lớn rất dài, đây có thể là lý do gây nên tâm lý chủ quan, không có các biện pháp phòng chống dài hạn. Ở Việt Nam, trận động đất mạnh nhất từng ghi nhận được có độ lớn 6.7 độ Richter, xảy ra ở Tuần Giáo, Điện Biên năm 1983. Chu kỳ để xuất hiện động đất có độ lớn như vậy ở Việt Nam là 450 năm. Trên thế giới, những trận động đất lớn như xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ có chu kỳ lặp lại hàng nghìn năm.
Con người luôn nhỏ bé trước thảm họa thiên nhiên
Kể từ năm 1960 đến nay, thế giới đã trải qua nhiều trận động đất kinh hoàng. Gần đây nhất là tại Afghanistan vào tháng 6/2022 khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, 3.000 người bị thương và 10.000 ngôi nhà bị phá hủy. Tại Indonesia, vào tháng 9/2018, một trận động đất có độ lớn 7,5 kéo theo sóng thần đã xảy ra ở thành phố Palu, nằm trên đảo Sulawesi của Indonesia, cướp đi sinh mạng của hơn 4.300 người. Tại Nepal, vào ngày 25/4/2015, một trận động đất có độ lớn 7,9 đã làm hơn 4.000 người thiệt mạng và khoảng 6.500 người bị ảnh hưởng. Tháng 3/2011, một trận động đất kinh hoàng trong lịch sử nhân loại có độ lớn 9 đi kèm các đợt sóng thần khổng lồ đã tàn phá khu vực Đông Bắc Nhật Bản. Thảm họa kép đã xóa sổ nhiều thị trấn, cướp đi sinh mạng của gần 20.000 người, số người bị thương là gần 2.400.
Video ghi lại khoảnh khắc các tòa nhà bị đổ sập trong chớp mắt do ảnh hưởng của động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ (Nguồn: Daily Mail) |
Thiệt hại vô cùng lớn về người và của từ những thảm họa trên cho thấy, cho dù xã hội loài người có phát triển đến đâu, những thành tựu về khoa học – công nghệ - kỹ thuật của con người có ở đỉnh cao nào thì đứng trước các thảm họa thiên nhiên, con người vẫn trở nên nhỏ bé, sự sống của con người trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Không ai có thể biết trước được tương lai, biết được khi nào thì tai họa có thể ập đến. Trong số các thảm họa của thiên nhiên, các nhà khí tượng học có thể dự đoán được những hiện tượng như bão hoặc lũ lụt, nhưng các nhà địa chấn học vẫn chưa thể làm được điều tương tự với động đất, dù đây là một lĩnh vực nghiên cứu tích cực. Hầu hết những gì họ có thể cung cấp là các thiết bị phát hiện sóng áp suất di chuyển nhanh từ một trận động đất đến ngay trước khi xuất hiện các sóng biến dạng làm chấn động mặt đất. Đáng chú ý, hệ thống này chỉ giúp đưa ra cảnh báo trước khi xảy ra động đất tối đa khoảng 1 phút và rất tốn kém để duy trì.
Do vậy, có ý kiến cho rằng điều tốt nhất có thể làm là chuẩn bị sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất. Các quốc gia hay xảy ra động đất thường yêu cầu các tòa nhà phải được xây dựng để chống lại lực tác động của các trận động đất. Ngoài ra, các hệ thống cảnh báo là công cụ hữu hiệu để con người giảm thiểu rủi ro và thiệt hại khi xảy ra các thảm họa thiên nhiên.
Nhật Bản là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực này. Nhật Bản ước tính một trận động đất mạnh 9,0 ở các rãnh đại dương có thể gây sóng thần lớn, tạo ra những đợt sóng cao đến 30m. Vào tháng 12/2022, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu đưa vào sử dụng hệ thống cảnh báo động đất mới tại 182 khu vực thuộc 7 tỉnh ven biển nước này. Khi có cảnh báo, người dân sẽ được yêu cầu thực hiện các biện pháp như chuẩn bị sơ tán khẩn cấp, chuẩn bị quần áo ấm và xác định trung tâm sơ tán gần nhất. Chính phủ cũng đặt mục tiêu 10 năm để giảm 80% số nạn nhân trong một trận động đất mạnh./.