Cơn “bĩ cực” của củ cải!
(ĐCSVN) - Những luống củ cải được nhổ bỏ vật vạ, lăn lóc trắng đồng ruộng, đó là hình ảnh đầy chua xót diễn ra tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (Hà Nội) những ngày qua.
Điệp khúc “được mùa rớt giá”!
Trao đổi với chúng tôi, ông Đàm Văn Thìn, Phó chủ tịch UBND xã Tráng Việt cho biết: Trên địa bàn xã hiện có trên 200ha chuyên canh rau quả, trong đó 80 ha trồng củ cải. Khoảng một tháng trở lại đây, hàng trăm hộ nông dân tại xã rơi vào cảnh lao đao vì củ cải trắng bị rớt giá thảm hại. Thông thường, giá củ cải dao động 6.000-8.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 500-1000 đồng/kg. Địa phương đã tích cực kết nối với nhiều đầu mối tiêu thụ giúp bà con nhưng số lượng đặt hàng rất ít…
Anh Nguyễn Mạnh Tường, một tiểu thương thu mua nông sản trên địa bàn cho hay: Giá củ cải trắng bắt đầu rớt từ trong Tết, đến thời điểm này, giá củ cải bán tại ruộng đã “xuống đáy”. Tình trạng này không chỉ khiến các chủ vườn khổ sở mà các thương lái như chúng tôi cũng chịu chung số phận vì trót “ôm” hàng chục hecta củ cải từ giữa vụ.
“…Giá củ cải thời điểm này quá rẻ, củ cải lại già, chưa nhổ kịp mà chủ ruộng đòi đất để trồng cây khác. Do vậy, người dân đành phải mang củ cải bỏ đi” - Anh Tường cho biết thêm.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trung bình, người dân phải đầu tư từ 3-4 triệu đồng tiền công, giống, phân bón cho một sào (360 m2) củ cải trắng. Tuy nhiên, vì giá quá rẻ, hiện số tiền thu về chỉ từ vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng/sào, chưa kể phải thuê người thu hoạch. Vì vậy, nhiều gia đình chọn lựa việc vứt đi thay vì nài nỉ và trông chờ thương lái đến mua.
Cùng bàn câu chuyện, ông Đàm Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt chia sẻ: Một phần nguyên nhân khiến củ cải rớt giá thảm là do lượng cung quá lớn, trong khi nhu cầu không tiêu thụ hết. Tại xã Tráng Việt, có những hộ phải đổ bỏ hàng chục tấn củ cải. Thậm chí những hộ trồng với diện tích lớn còn phải bỏ tiền thuê người dọn ruộng và chở củ cải mang đi vứt bỏ…
Hệ quả, khắp các con đường ra ruộng tại nhiều thôn của xã Tráng Việt hiện nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đống củ cải chất cao như núi, ngổn ngang, héo quắt.
Chung sức “cứu” nông dân
Nhìn người nông dân chịu thương chịu khó phải hủy hoại thành quả, những cánh đồng cải trắng xóa thối mục dần vì rớt giá, khiến nhiều người không thể kìm lòng. Trong đó, có những trăn trở: Phải làm gì đó thiết thực để “cứu” củ cải, giúp cho những người nông dân (!).
Theo đó, 2 ngày qua nhiều địa điểm tại Thủ đô đã được các nhóm bạn trẻ tổ chức làm cầu nối bán củ cải. Như tại hồ Ba Mẫu (Đống Đa, Hà Nội), một nhóm bạn trẻ đã vận chuyển hơn 3 tấn củ cải từ xã Tráng Việt về để tiêu thụ, kêu gọi sự giúp đỡ và được đông đảo người dân ủng hộ.
“…Củ cải ở đây sẽ được đóng túi và bán ra với giá 5.000 đồng/kg. Hoạt động của chúng em nhằm mục đích chung sức giúp người nông dân nên được rất nhiều người mua ủng hộ..” – Đỗ Thu Hương, trưởng một nhóm giải cứu ở Công viên Cầu Giấy cho chúng tôi biết.
Bên cạnh việc bán hàng trực tiếp, nhiều nhóm trẻ còn đăng bài kêu gọi bán nông sản giúp người nông dân trên mạng xã hội, đồng thời giới thiệu củ cải cho các hệ thống siêu thị, các bếp ăn công nhân, chợ đầu mối lớn trên địa bàn Hà Nội đã nhận được những hiệu ứng tích cực.
Không chỉ vậy, có mặt tại xã Tráng Việt, chúng tôi còn thấy sự xuất hiện của một số công ty, doanh nghiệp cùng vào cuộc kêu gọi cán bộ, công nhân viên chung sức mua nông sản giúp người dân.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Thịnh Long (Thinh Long Group) tâm sự: Hiểu và chia sẻ nỗi vất vả, khó khăn của người nông dân nên Ban lãnh đạo, công đoàn công ty chúng tôi đã họp bàn và vận động toàn thể cán bộ nhân viên cùng hành động chung tay góp sức nhỏ của mình để chia sẻ cùng người dân trên địa bàn xã Tráng Việt.
“Qua hành động này, các doanh nghiệp như chúng tôi muốn mỗi cán bộ nhân viên nâng cao ý thức và thói quen tiêu thụ hàng nông sản Việt, đồng thời mong muốn có nhiều doanh nghiệp khác hãy chung tay giúp đỡ người nông dân trong lúc khó khăn này…” - đại diện Công ty nhựa Châu Âu cho biết.
Theo đó, Công ty Thịnh Long và Công ty Nhựa Châu Âu đã phát động, kêu gọi cán bộ, nhân viên công ty cùng đóng góp và hành động thu mua hàng chục tấn củ cải ủng hộ góp sức “giải cứu” nông sản cùng bà con nông dân.
Người nông dân một nắng hai sương, tần tảo để cấy trồng ra những luống củ cải với mong muốn lúc thu hoạch sẽ bán được giá. Nhưng cám cảnh thay, giờ chính bàn tay họ phải đang tâm vứt bỏ những thành quả do mình làm ra. Và đây là một bất cập, một nghịch lý, vòng luẩn quẩn đeo bám người nông dân suốt nhiều năm qua.
Thiết nghĩ, sự trợ giúp, chung tay “giải cứu” giúp nông dân là vô cùng ý nghĩa lúc khốn khó này. Tuy nhiên, việc hoạch định trồng cây gì, nuôi con gì, đầu vào-đầu ra cho nông sản với người nông dân còn lơ mơ tựa như chơi canh bạc với trời. Ở đây có phần trách nhiệm không nhỏ của các “tư lệnh ngành” nông nghiệp.
Trong cơn “bĩ cực” của củ cải ở Tráng Việt, một câu hỏi lớn đặt ra là các “tư lệnh ngành” đang ở đâu, đã làm gì để giúp nông dân? Và điệp khúc “được mùa rớt giá” còn đeo bám nông dân, đeo bám đồng ruộng đến bao giờ?